Làm việc nhiều giờ hay làm việc thông minh

Trong thời gian qua mạng xã hội lan truyền các tranh luận liên quan đến quan điểm của anh Hoàng Nam Tiến về việc liệu có nên làm việc 12-16 giờ đối với người lao động. Chăm chỉ làm nhiều hay lựa chọn làm ít mà hiệu quả luôn là câu hỏi tranh luận từ rất lâu. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho chúng ta một góc nhìn về việc tại sao làm việc nhiều giờ là cần thiết.

Cũng trong thời gian này, mạng xã hội lan truyền một bài viết về một cô gái 24 tuổi người Trung Quốc đang đếm ngược 4.500 ngày để có thể được về hưu vào năm 40 tuổi, để cô không phải lo lắng những gánh nặng công việc và tài chính nữa, sẽ tập trung theo đuổi cuộc sống của riêng mình. Phong trào về hưu sớm (FIRE) được rất nhiều bạn trẻ quan tâm trong những năm gần đây, như một cách đeo đuổi tự do tài chính giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Có lẽ dưới góc nhìn của người trẻ, việc làm quần quật nhiều giờ sẽ không phù hợp với tôn chỉ phát triển của họ.

Ông Hoàng Nam Tiến làm việc với rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản do đó, có thể những quan điểm về việc làm của người Nhật đã ảnh hưởng đáng kể đến quan điểm của ông về khái niệm thời gian làm việc cần thiết để chúng ta có thể đảm bảo chất lượng công việc. Quan điểm làm nhiều hay làm ít là đúng, không quan trọng bằng việc mỗi người có thể rút ra được cho mình những bài học đằng sau mỗi góc nhìn. Chúng ta vừa có thể nhìn vấn đề trên từ góc nhìn của từng quốc gia và cả góc nhìn quản trị rủi ro trong cuộc sống để hiểu hơn ý nghĩa công việc hàng ngày.

Câu chuyện phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc

Tư duy sáng tạo và làm việc một cách khôn ngoan luôn là con đường đáng để mỗi chúng ta theo đuổi. Tuy nhiên, câu chuyện về quá trình phát triển của những quốc gia phát triển nhất ở Châu Á là những bài học rất đáng để chúng ta tham khảo về việc đâu là lựa chọn tối ưu.

Những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc vốn dĩ đã từng trải qua những giai đoạn kinh tế cực kỳ khó khăn và chính sự cần cù chăm chỉ là chìa khóa để giúp dân tộc họ thoát nghèo, vươn lên phát triển. Học sinh nước ta được dạy về rừng vàng biển bạc tài nguyên phong phú nhưng học sinh ở nước Nhật được dạy về sự khó khăn trong tài nguyên và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đối với quốc gia họ, để các thế hệ trẻ Nhật Bản luôn hiểu được tầm quan trọng của sự cần cù trong việc tạo ra sự thịnh vượng qua nhiều thế hệ. Chúng ta nói nhiều về những thập niên thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản (1950-1990) và Hàn Quốc (1960-2000) nhưng ít khi chúng ta nói về những thế hệ mất mát trong giai đoạn đó. 40 năm nỗ lực miệt mài của mỗi dân tộc tương đương với hai thế hệ mất mát ở những quốc gia này. Tại sao được gọi là hai thế hệ mất mát bởi vì đó là hai thế hệ phải làm việc cực kỳ vất vả dựa trên một nền tảng kinh tế hạn chế của quốc gia. Chính những thế hệ mất mát, sẵn sàng làm việc một cách miệt mài đó đã tạo ra một nền tảng cực kỳ tốt cho các thế hệ sau của người Nhật và người Hàn có thể duy trì cuộc sống.

Người Nhật chưa bao giờ đề cao tính cách sáng tạo của dân tộc họ mà thay vào đó sự cần cù chăm chỉ luôn được đặt lên hàng đầu. Ở Nhật Bản, ngay cả vấn đề luật làm việc ngoài giờ của Nhật cũng được quy định rất chặt chẽ vì làm việc ngoài giờ là một chuyện diễn ra rất thường xuyên ở nước này. Một ví dụ so sánh đơn giản để chúng ta có thể thấy đó là khi làm việc ngoài giờ, mức đơn giá tiền lương trong thời gian làm thêm giờ ở Việt Nam là 150% mức tiền lương bình thường, tuy nhiên tỷ lệ này ở Nhật chỉ là 125%. Đối với người Nhật, việc làm thêm giờ là một biểu hiện về sự cống hiến và tận tụy với công ty.

Lẽ ra sau khi nền kinh tế đã phát triển và trở thành một quốc gia giàu có thì người Nhật và người Hàn đã có thể phải sống thoải mái hơn với công việc. Thực tế những phong trào về việc cân bằng cuộc sống của người Nhật và Hàn ở công sở đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Thời gian làm việc trung bình của người Nhật đã sụt giảm liên tục trong những năm qua và đã giảm hơn 10% trong 10 năm. Tuy nhiên, với người Hàn và người Nhật thì việc làm cần cù vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu để có thể duy trì tính chất ổn định trong công việc của họ. Khác với nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, việc làm vẫn đang được tạo ra nhiều mỗi năm, nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn bão hòa dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp và số lượng công việc mới hàng năm không nhiều. Khi đó, họ rất quan trọng công việc hiện tại của bản thân và luôn nỗ lực để duy trì công việc hiện tại này.

Là những quốc gia có trình độ phát triển vào top đầu của Châu Á và thế giới nên người Nhật và người Hàn thừa biết để hiểu được tầm quan trọng và tính khả thi của mỗi lựa chọn.

Làm việc nhiều giờ không phải chỉ để kiếm thêm thu nhập

Bỏ qua câu chuyện ở góc nhìn quốc gia, làm việc với thời gian bao lâu còn có thể nhìn ở góc độ quản trị rủi ro. Khi chúng ta bàn đến thời gian làm việc 12-16 giờ, chúng ta phải hiểu rằng đó là thời gian làm việc hiệu dụng để có thể đạt được hiệu quả trong công việc. Thời gian làm việc chính thức của chúng ta sẽ từ khoảng 8-10 tiếng. Tuy nhiên, đó là thời gian để chúng ta có thể hoàn thành công việc và chưa tính đến những yếu tố thời gian để chúng ta bắt kịp những yêu cầu thay đổi của xã hội.

Khi chúng ta mới bắt đầu công việc của mình, sẽ cần phải duy trì sự học học để có thể bắt kịp kinh nghiệm của tổ chức và của đồng nghiệp. Thời gian chúng ta bỏ ra phải nhiều hơn so với những người có kinh nghiệm để có thể thu hẹp khoảng cách. Doanh nghiệp và đặc biệt là khách hàng sẽ không quan tâm đến việc chúng ta có là nhân viên mới hay không, cái họ cần là chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Hãy lấy ngành tư vấn đầu tư làm ví dụ, khách hàng không quan tâm nhiều đến việc các bạn bao nhiêu tuổi, nhận lương bao nhiêu mà cái họ cần là bạn có đủ trình độ để có khả năng tư vấn cho họ. Khi đó người trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với người có kinh nghiệm. Do đó, việc phải dành thời gian học hỏi, trau dồi nhiều hơn trong công việc là chuyện hết sức bình thường để bàn có thể “sinh tồn” trong bối cảnh ngành càng cạnh tranh khốc liệt.

Khi bạn phát triển đến một mức độ nhất định, công việc ổn định, thu nhập tốt nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể ngừng cố gắng và nỗ lực. Cuộc sống sẽ luôn thay đổi và tạo ra cả những cơ hội lẫn rủi ro cho bạn. Ở độ tuổi 35-40, khi đã ở vị trí nhân sự lâu năm hoặc quản lý cấp trung, bạn sẽ dễ bị rủi ro sa thải vì nhiều lý do khác nhau. Khi công ty không thể phát triển, để cắt giảm chi phí họ sẽ nghĩ đến những vị trí lãnh đạo cấp trung quản lý ở các phòng ban. Với những mô hình kinh doanh đã ổn định thì việc thay đổi một vài vị trí nhân sự ở các bộ phận sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tính ổn định của công ty mà vẫn có thể giảm thiểu chi phí của công ty với những người mới. Trong trường hợp công ty của bạn thay đổi trước môi trường cạnh tranh thì rủi ro đó vẫn hiện hữu vì họ đòi hỏi tìm kiếm những nhân sự trẻ hơn và tư duy sẵn sàng thay đổi cùng với các lãnh đạo cấp cao.

Không hiếm những trường hợp nhân sự lâu năm hoặc quản lý cấp trung bị sa thải trước xu hướng tái cơ cấu lại ở các công ty. Một cuộc khảo sát ở Úc năm 2009 về cơ cấu nhóm người theo độ tuổi bị sa thải do khủng hoảng tài chính. Trong đó, hai nhóm tuổi bị sa thải nhiều nhất là nhóm tuổi từ 21-25 tuổi và nhóm từ 36-40 tuổi. Số liệu mang tính chất minh họa trên cho thấy nguyên nhân tại sao chúng ta phải luôn cần nỗ lực và thay đổi, vượt trên những yêu cầu cơ bản trong công việc. Trong phát biểu của anh Hoàng Nam Tiến đề cập đến việc làm việc từ 12-16 giờ mỗi ngày, nó không giới hạn trong những công việc chính thức mà còn cả trong quá trình học tập, chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới trên hành trình của mỗi người.

Mọi người trong chúng ta đều mong muốn cân bằng giữa cuộc sống và công việc, chúng ta sẽ luôn muốn làm một cách thông minh, khéo léo hơn để thay thế cho việc làm một cách cần cù chăm chỉ, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trải nghiệm sống của mỗi người sẽ có thể khiến chúng ta nhìn nhận vấn đề rất khác nhau. Những người cần cù không có nghĩa là họ không tìm kiếm sự thay đổi hay cách làm việc khôn ngoan để giúp cuộc sống họ có thể tốt hơn từng ngày, tuy nhiên với họ công thức để làm nên chính họ hôm nay đó là sự cần cù, miệt mài và lao động không ngừng học hỏi.

Khi tôi hỏi các bạn trẻ về lựa chọn của mình thì phần lớn các bạn sẽ lựa chọn cách làm việc thông minh hoặc là một sự kết hợp cả hai sự lựa chọn. Nhưng, khi chúng ta đặt các vấn đề trong một bối cảnh thực tế cùng với những đánh đổi của bản thân đã chọn, có lẽ chúng ta sẽ suy nghĩ khác. Thông minh khéo léo có thể là thiên bẩm cho số ít các cá nhân nhưng sự miệt mài lao động vừa là một cách làm an toàn và vừa là cách để chúng ta có thể quản lý rủi ro cho chính bản thân trong thời đại thay đổi liên tục ngày nay.

Saigontimes, 10/2023

Chia sẻ: