Đánh giá ESG và mức độ xanh hóa: Khó khăn từ việc thiếu bộ tiêu chí định lượng

Các khoản tín dụng dựa vào tiêu chí ESG và tiêu chí xanh hóa đã trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường của các ngân hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự thiếu hụt một bộ tiêu chí cụ thể về phân loại và đánh giá ESG và xanh hóa một cách cụ thể đã hạn chế việc đưa các tiêu chuẩn thực hành ESG trở thành một mục tiêu hướng đến của các doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, khái niệm ESG và xanh hóa ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các dự án theo chuẩn ESG và xanh không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đảm bảo lợi ích dài hạn về mặt kinh tế và xã hội, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và công bằng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức, chủ yếu do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án này.

Thị trường trái phiếu xanh nội địa cũng chỉ mới đạt khoảng 1 tỷ USD trong khi đó quy mô tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạt mức khoảng 500.000 tỷ đồng. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện.

Vai trò quan trọng của bộ tiêu chí phân loại

Việc thiếu bộ tiêu chí phân loại xanh gây khó khăn lớn cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phân loại các dự án nào tuân thủ tiêu chí ESG cũng như xanh hóa và đạt tiêu chuẩn tài trợ. Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá độ an toàn và tính minh bạch của các khoản đầu tư vào tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Một bộ tiêu chí đồng bộ sẽ giúp các tổ chức tài chính xác định rõ ràng hơn các dự án thân thiện với môi trường, từ đó xây dựng niềm tin và thu hút thêm nhà đầu tư. Minh bạch trong tiêu chuẩn đánh giá là yếu tố tiên quyết để các ngân hàng và nhà đầu tư yên tâm phân bổ vốn vào các dự án xanh mà không lo ngại rủi ro đạo đức hoặc thổi phồng tính tuân thủ của công ty hoặc dự án, hoặc đối phó việc tuân thủ một cách hình thức.

Thiếu tiêu chí cụ thể còn làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các dự án thực sự thân thiện với môi trường, bởi vì nhà đầu tư và ngân hàng không thể phân biệt rõ đâu là dự án đạt chuẩn xanh. Nhiều dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc xử lý chất thải chưa thể nhận tài trợ thích đáng, vì không có bộ tiêu chí làm cơ sở phân loại. Việc có bộ tiêu chí xanh đồng bộ sẽ giúp đẩy mạnh tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường, mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn từ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế đang chú trọng đến phát triển bền vững.

Bộ tiêu chí phân loại xanh cũng giúp duy trì tính nhất quán trong các quyết định tài trợ từ phía ngân hàng và tổ chức tài chính. Khi chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, mỗi ngân hàng có thể tự xây dựng các tiêu chí khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất và dễ gây ra hiểu lầm cho nhà đầu tư. Một tiêu chuẩn phân loại xanh chung sẽ giúp tất cả các tổ chức tài chính có chung một hướng tiếp cận và quyết định tài trợ nhất quán, góp phần giảm thiểu những bất cập và tranh cãi về tính xanh của các dự án. Bộ tiêu chí với những tiêu chí mang tính chất định lượng cụ thể sẽ mang nhiều ý nghĩa so với việc chỉ đơn thuần là việc kiểm định hay đánh giá.

Các tiêu chí định lượng có tính thúc đẩy cải tiến

Xây dựng một bộ tiêu chuẩn định lượng đo lường mức độ tuân thủ ESG là bước đầu tiên và quan trọng nhất để các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể đánh giá khách quan mức độ tuân thủ các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một dự án. Bộ tiêu chuẩn này cần bao gồm các tiêu chí cụ thể như khả năng giảm phát thải khí CO₂, tính hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên, tác động tích cực đến cộng đồng và việc thực thi các chuẩn mực quản trị minh bạch. Chẳng hạn, một dự án có thể được coi là đạt tiêu chuẩn môi trường của ESG nếu giảm ít nhất 30% phát thải khí nhà kính so với tiêu chuẩn ngành, tích cực cải thiện phúc lợi xã hội và duy trì quy trình quản trị rõ ràng, minh bạch. Việc áp dụng những tiêu chí này không chỉ đảm bảo tính bền vững môi trường mà còn tăng cường trách nhiệm xã hội và thúc đẩy quản trị tốt, từ đó tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư hướng đến mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.

Bảng 1: Các trụ cột của ESG theo tiêu chuẩn của MSCI

Picture2-41

Nguồn: MSCI

Bảng bên trên thể hiện về các trụ cột của ESG theo tiêu chuẩn của tổ chức MSCI, trong đó các trụ cột của ESG được cụ thể hóa với các chủ đề chi tiết, kèm theo đó là những diễn giải vấn đề. Bản mô tả chi tiết các trụ cột giúp cho các doanh nghiệp theo đuổi việc tuân thủ sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định các vấn đề trọng tâm mà doanh nghiệp cần rà soát, hạn chế việc theo đuổi tiêu chuẩn ESG một cách mơ hồ.

Tiếp theo đó, các chủ đề được phát triển ở bước trên sẽ được xếp hạng theo thang điểm từ 1-5 dựa trên các mức độ đạt được của doanh nghiệp. Bảng bên dưới trình bày một bảng ví dụ về cách lượng hóa thang điểm đối với chủ đề biến đối khí hậu, liên quan đến vấn đề phát thải carbon và vấn đề dấu chân carbon của sản phẩm. Điểm quan trọng trong việc xây dựng bảng chấm điểm đó là các thang điểm cần phải có tính lượng hóa cụ thể, dựa trên các mức độ đạt được của doanh nghiệp. Tổng hợp điểm của tất cả các vấn đề sẽ có thể xác định được mức xếp hạng của doanh nghiệp liên quan đến mức độ tuân thủ ESG.

Dựa trên số điểm lần lượt của các tiêu chí mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể đánh giá mức độ tuân thủ ESG của doanh nghiệp của mình ở mức nào và những tiêu chí nào doanh nghiệp cần cải thiện để có thể đạt mức điểm tuân thủ cao hơn. Các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính cũng hoàn toàn có thể sử dụng các kết quả đánh giá tuân thủ ESG này xem như một điều kiện để xếp hạng lựa chọn doanh nghiệp phù hợp, từ đó thuận tiện quá trình tìm kiếm và lựa chọn cơ hội đầu tư tiềm năng.

Bảng 2: Bảng đề xuất chấm điểm cho các tiêu chí

Picture3-38

Nguồn: Hệ thống mô phỏng của tác giả

Vai trò định hướng cải tiến của các chỉ tiêu định lượng

Mỗi ngành công nghiệp có đặc thù và ảnh hưởng đến môi trường khác nhau, do đó tiêu chí đánh giá cũng cần được điều chỉnh phù hợp với từng ngành. Bộ tiêu chuẩn định lượng không thể áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực mà cần phân loại và áp dụng riêng cho từng ngành. Chẳng hạn, trong ngành năng lượng, các tiêu chí đánh giá nên tập trung vào khả năng sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả chuyển đổi năng lượng, trong khi ngành xây dựng có thể yêu cầu tiêu chí về vật liệu thân thiện với môi trường và khả năng tiết kiệm năng lượng trong vận hành.

Việc xây dựng các tiêu chí và tỷ trọng tiêu chí khác nhau cho từng ngành giúp đảm bảo các dự án đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặc thù của từng lĩnh vực. Điều này không chỉ giúp phân bổ nguồn vốn hợp lý hơn mà còn khuyến khích các ngành phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhờ đó, có thể đánh giá các dự án một cách chi tiết và chính xác hơn, từ đó thúc đẩy các khoản đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển bền vững cao.

Những bộ tiêu chuẩn định lượng kèm theo hướng dẫn thi hành này đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ tuân thủ ESG và các tiêu chí xanh mà còn mang vai trò định hướng cải tiến hoạt động của doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Nói nôm na thì việc đạt các tiêu chuẩn ESG và xanh hóa như một đích đến cho trách nhiệm xã hội và môi trường cũng doanh nghiệp nhưng những tiêu chí đo lường giống như từng cột mốc mà doanh nghiệp cần hướng đến sự thay đổi. Điều đó giúp doanh nghiệp xây dựng được lộ trình thay đổi từng bước, một cách bền vững và rõ ràng về kế hoạch cải tiến.

Để các hoạt động thay đổi và định hướng thay đổi của doanh nghiệp đi vào thực chất thì đòi hỏi các hoạt động định hướng thị trường và các bên liên quan cần cụ thể, tránh việc quá sa đà vào các hoạt động truyền thông mà không bám vào các kế hoạch hành động thay đổi cụ thể. Khi đó, hệ thống các tiêu chí đo lường mang tính định lượng đóng vai trò rất quan trọng cho việc thực hành ESG và xanh hóa.

Lê Hoài Ân, CFA

Chia sẻ: