AI và nhu cầu trường tồn theo thời gian

Cách đây hơn 2.000 năm, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa và lên ngôi hoàng đế đã luôn ám ảnh về sự bất tử để có thể duy trì sự trị vì của mình. Về sau, vua chúa của các triều đại phong kiến khác cũng cố gắng trong vô vọng để có thể có được thuật trường sinh, nhằm mục tiêu cuối cùng là lưu giữ các ký ức của bản thân mình ở thế gian càng lâu càng tốt.

Ngày nay, kiến thức của nhân loại đủ để chúng ta hiểu rằng thuật trường sinh là không thể, nhưng có những cách khác nhau để có thể duy trì ký ức và triết lý của họ theo thời gian. Nhu cầu thể hiện bản thân này là nấc thang cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow.

Người Á Đông nói chung có văn hóa tổ chức đám giỗ để tưởng nhớ người thân đã mất. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta không thể nhớ hơn bốn thế hệ. Tất cả những thông tin đều thông qua những câu chuyện hoặc những giai thoại trong gia đình, và nó cũng sẽ mất dần theo thời gian. Nhu cầu được ghi nhớ luôn có trong mỗi người và đối với những người có thành tựu trong cuộc sống thì điều đó càng trở nên quan trọng. Nhiều người nghĩ đến việc viết hồi ký hay viết sách để chia sẻ những trải nghiệm, những tri thức mà họ rút ra được trong cuộc đời.

Giờ đây, sự xuất hiện của AI đã giúp cho giấc mơ bảo toàn “bộ não” của mỗi người trở thành chuyện có thể.

Giao tiếp được với chính mình

Nhiều người trong số chúng ta đã mơ ước về khả năng có thể giao tiếp với bản thân mình trong quá khứ để xem bản thân mình đã thay đổi như thế nào theo thời gian và tò mò về tương lai với mong muốn nhìn nhận cuộc đời từ một góc độ khác. Với một hệ thống AI được xây dựng hiệu quả thì chúng ta của ngày hôm nay được cô đọng bên trong một con robot với những tính năng hữu ích trong việc chia sẻ tri thức. Các dữ liệu được cấu trúc của một cá nhân theo thời gian sẽ được lưu trữ và xử lý bên trong AI.

Trong tương lai, dựa trên việc thấu hiểu các hành vi và thói quen của người đang phục vụ, AI hoàn toàn có thể tạo ra các trải nghiệm giao tiếp vô cùng đặc biệt cho con người. Các tiến bộ trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tương tác giữa con người và máy tính đã tạo ra các trợ lý AI có thể tạo ra các đường dẫn câu chuyện để dự báo cho cá nhân về một hình mẫu mà họ có thể trở thành trong tương lai.

Khi đó, bạn sẽ có cơ hội đối thoại với cả chính mình trong tương lai theo đúng quy luật nhân quả – những gì bạn đang làm, đang cố gắng trong hôm nay sẽ quyết định hình ảnh của bạn trong tương lai. Điều đó tạo ra những trải nghiệm vô cùng đặc biệt giúp chúng ta có thêm động lực để thúc đẩy sự nỗ lực và thay đổi của bản thân. Với AI, người tư vấn tốt nhất cho chúng ta lại có thể chính là chúng ta – người nắm giữ các thông tin chính xác nhất và thấu đáo nhất về bản thân mình.

Trở lại câu chuyện đám giỗ, công nghệ AI có thể giúp lưu giữ những ký ức và suy nghĩ của một người, thậm chí khi họ đã mất. Các trải nghiệm đó được kết hợp với các kiến thức và trải nghiệm mới được cập nhật vào hệ thống, từ đó tạo ra một thực thể trường tồn theo thời gian dựa trên nền tảng các triết lý sống ban đầu. Thậm chí, AI kết hợp với công nghệ Hologram 3D, một người sống ở giai đoạn 2023 hoàn toàn có thể tương tác và giao tiếp với một người sống ở những năm 2123. Đó là sự trường tồn mà AI có thể giúp con người tạo ra.

Cần có “nguyên liệu” cần thiết

Những gì chúng ta thảo luận chỉ là những tình huống lý tưởng được xây dựng trên những công nghệ nền tảng đang sẵn có. Tuy nhiên, AI không phải là tất cả. Nếu bạn không có hoặc các dữ liệu về bản thân không được ghi nhận hiệu quả thì AI sẽ không thể học được. AI không khác gì một cỗ máy được lập trình, chúng cần những nguyên liệu đầu vào là các dữ liệu đủ lớn và chất lượng để có thể xử lý, phân tích và kết nối các yếu tố liên quan đến đặc điểm về tính cách và hành vi của một con người. Những yếu tố cần có bao gồm một triết lý sống cụ thể mà từ đó bộ dữ liệu có thể được hình thành và các dữ liệu chuẩn hóa được ghi nhận một cách nhất quán theo thời gian.

Triết lý sống giúp cho các phát biểu của chúng ta nhất quán theo thời gian, điều đó tạo nên những đặc tính rất con người chứ không phải là máy móc. Chính triết lý đó cũng giúp cho AI có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý và mô phỏng các trải nghiệm của con người bởi khả năng kết nối các dữ liệu tốt hơn.

Cuối cùng, cũng chính những triết lý đó giúp cho các dữ liệu mới trong tương lai vẫn được cập nhật và xử lý sau khi một người đã mất. AI lúc này sẽ mô phỏng cách người đó sẽ ứng xử với các thông tin mới trong tương lai. Điều này không dễ, bởi phần lớn mọi người chúng ta đều bị tác động nhiều bởi các xu hướng và các trường phái tư duy từ mạng xã hội. Chúng ta có thể đang có quan điểm về mọi việc, nhưng các quan điểm đó không hẳn sẽ nhất quán theo thời gian nếu không có một triết lý sống nền tảng.

Một nguyên liệu quan trọng khác chính là việc xây dựng và duy trì các kho dữ liệu có tính lặp lại. Điều này đảm bảo rằng thông tin và trải nghiệm của con người được ghi lại và lưu trữ một cách bền vững và có thể truy cập dễ dàng. Các dữ liệu cần được ghi nhận có tính cấu trúc theo thời gian, cũng như các sắc thái biểu cảm đánh giá cũng cần phải được ghi nhận.

Các thông tin càng có tính cấu trúc tốt thì khả năng phân tích và diễn đạt của AI sẽ càng tốt. Đây chính là điểm rất khó khăn và cần thiết một thói quen lưu trữ và cung cấp dữ liệu cho AI một cách hiệu quả và có phương pháp. Các kho dữ liệu có tính lặp lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tương tác với bản thân trong tương lai thông qua trí tuệ nhân tạo.

Công nghệ AI đã biến những mong ước của con người từ hàng ngàn năm có thể trở thành hiện thực. Điều này không chỉ áp dụng cho cá nhân mà có thể tạo ra những đột phá trong việc phát triển tri thức của doanh nghiệp, biến tri thức của doanh nghiệp trở thành thực thể sống, tập hợp của các tri thức của các cá nhân bên trong doanh nghiệp theo thời gian. Mỗi cá nhân hay doanh nghiệp cũng vậy, với những trải nghiệm của riêng mình, sẽ có thể trở thành một tri thức tham khảo dưới hình thái AI để trường tồn và phát triển theo thời gian.

Saigontimes, 09/2023

Chia sẻ: