Xu hướng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam (P.Cuối)
Trong hai bài viết trước chúng ta đã đi qua việc một thị trường được nâng hạng sẽ có vai trò quan trọng quan trọng như thế nào đối với thị trường cổ phiếu cũng như thị trường chứng khoán của một quốc gia. Trong phần cuối cùng này chúng ta sẽ đi qua những giai đoạn mà thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ được nâng hạng như thế nào và liệu những cải thiện để Việt Nam được nâng hạng là gì.
Tóm lược:
- Những kỳ vọng về triển vọng được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua
- Những gì Việt Nam cần cải thiện để có thể được nâng hạng
Những kỳ vọng về triển vọng được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua
Vào tháng 9/2018, một tin vui đến với thị trường tài chính đó là Việt Nam lọt vào danh sách FTSE Russell theo dõi để phân loại lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sau một năm rà soát Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ trong bản danh sách, khi chỉ đáp ứng 7/9 tiêu chí xếp hạng của FTSE. Hai tiêu chí Việt Nam chưa đạt là: Thứ nhất, yếu tố hoạt động thông suốt của thị trường, thứ hai là yếu tố thanh toán bù trừ T+2/T+3 bị hạ từ mức đạt xuống hạn chế.
Một trong những mục tiêu lớn của ngành chứng khoán là được nâng hạng từ những tổ chức xếp hạng FTSE và MSCI. Do đó, các cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai với các hoạt động cụ thể từ UBCKNN. UBCKNN đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo về Đề án Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó đưa ra những giải pháp khả thi để nâng hạng thị trường từ nhóm thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi.
Những gì Việt Nam cần cải thiện để có thể được nâng hạng
Có 3 tiêu chuẩn đưa ra xem xét để phân loại thị trường, theo khung phân loại thị trường của MSCI bao gồm:
Thứ nhất là về trình độ phát triển kinh tế: Đây là tiêu chí chỉ dùng cho các thị trường phát triển. Do đó, khi xem xét thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi thì chỉ cần quan tâm hai tiêu chỉ còn lại.
Thứ hai là quy mô và thanh khoản: Quốc gia cần có ít nhất 3 doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện sau tại thời điểm xem xét:
- Giá trị tự do chuyển nhượng đạt ít nhất là 635 triệu đô la.
- Thanh khoản cổ phiếu bình quân hàng năm đạt 15% tự do chuyển nhượng.
- Giá trị vốn hóa phải đạt 1.260 triệu đô la.
Thứ ba là khả năng tiếp cận thị trường: Phản ánh kinh nghiệm bao gồm 18 tiêu chí, những ràng buộc và yêu cầu của giới đầu tư quốc tế đối với thị trường, chia làm 5 nhóm sau:
- Môi trường cạnh tranh
- Mức độ dễ dàng luân chuyển dòng vốn vào/ra thị trường
- Tính ổn định của khung thể chế
- Mức độ mở đối với sở hữu nước ngoài
- Hiệu quả của hệ thống vận hành
Chỉ những tiêu chuẩn định tính mới là rào cản thực sự trong lộ trình nâng hạng thị trường Việt Nam trong khi đó các tiêu chuẩn về định lượng thì thị trường Việt Nam vẫn thỏa điều kiện. Về sân chơi dành cho những nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn khá là hẹp, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 nới trần sở hữu nước ngoài lên 100%. Số lượng cổ phiếu chính thức nới trần tỷ lệ sở hữu vẫn còn rất khiêm tốn, một phần liên quan đến những vấn đề xung đột về quan điểm của cổ đông khi nới room, cùng với đó là những hạn chế khác từ các luật liên quan. Điều này cũng đã khiến cho MSCI giữ nguyên đánh giá với Việt Nam về vấn đề độ mở với nhà đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề dòng vốn thị trường cũng là điểm nhạy cảm đối với Việt Nam, bởi thị trường ngoại hối đang được sự điều tiết và kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan có liên quan, trong đó chủ yếu là NHNN.
Để củng cố niềm tin vững chắc đối với nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần xử lý hết các vấn đề yếu kém còn tồn đọng của thị trường ngoài 2 tiêu chí chưa đạt được đưa ra bởi MSCI. Những vấn đề liên quan đến hạ tầng quản lý như: Thứ nhất là cần áp dụng chuẩn kế toán quốc tế, thứ hai là cần quản lý và hình thành khuôn khổ pháp lý chặt để loại bỏ “cổ phiếu dỏm” còn trôi nổi trên thị trường và thứ ba là xử lý triệt để gian lận trong giao dịch và thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính để hình thành thị trường giao dịch minh bạch mọi phương diện và cuối cùng là triển khai các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền đảm bảo… đây là những sản phẩm đang đẩy mạnh ở thị trường phát triển và thị trường mới nổi, nhằm tạo sân chơi đa dạng cho nhà đầu tư khối ngoại.