Xu hướng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam (P.2)
Trong bài viết mở đầu trước, chúng ta đã có những góc nhìn cơ bản về việc phân loại thị trường theo mức độ phát triển của thị trường cũng như các quốc gia khác nhau đang được xếp vào thị trường nào theo các tiêu chuẩn từ MSCI. Bài viết tiếp theo này sẽ đề cập đến vai trò của việc xếp hạng các thị trường cũng như là việc phân loại các thị trường đó.
Tóm lược:
- Nếu Việt Nam có cơ hội nâng hạng thì sẽ tiếp cận lượng vốn khổng lồ từ dòng vốn của thế giới.
- Tác động của việc đánh giá lại thứ hạng thị trường đối với giá cổ phiếu những quốc gia có sự thay đổi
Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI đã không còn xa lạ đối nhiều nước, kể cả Việt Nam. Hình thức tham gia đầu tư có thể khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, thông qua quỹ ETF hay trực tiếp đầu tư theo hình thức công ty mẹ con… Việc ra quyết định đầu tư của cá nhân hay tổ chức vào một thị trường cần phải được xem xét và đánh giá bởi nhiều yếu tố triển vọng của thị trường. Một trong những cơ sở quan trọng để xem xét đánh giá đó là mức xếp hạng thị trường của các tổ chức đánh giá độc lập. Khi đó, thị trường ở thứ hạng cao hơn sẽ tăng niềm tin của nhà đầu tư cao hơn và thu hút nhiều vốn hơn.
Tương tự như việc xếp hạng tín nhiệm độc lập của Moody’s, Standard & Poor’s hay Fitch Ratings đối với doanh nghiệp. Đây là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp cho những khoản đầu tư cổ phiếu trên thị trường tài chính toàn cầu. Phân nhóm thị trường là cơ sở quan trọng để đánh giá một thị trường chứng khoán của bất kỳ một quốc gia. Từ mức độ ổn định đến tiềm năng, khả năng luân chuyển vốn và nhiều yếu tố khác cần để đưa ra một quyết định đầu tư. Những quỹ đầu ETFs đầu tư vào các danh mục cổ phiếu đa dạng ở nhiều khu vực thị trường khác nhau cũng đưa ra các phân nhóm thị trường để phân bổ nguồn vốn vào những thị trường khác nhau. Nguồn vốn thường tập trung vào những thị trường phát triển và thị trưởng mới nổi hơn là thị trường cận biên có mức độ rủi ro cao.
Những lợi ích từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng
Nếu Việt Nam có cơ hội nâng hạng thì sẽ tiếp cận lượng vốn khổng lồ từ dòng vốn của thế giới. Vì dòng vốn thế giới phân bổ theo tỷ lệ cho những thị trường, cụ thể các thị trường phát triển là hơn 80%, những thị trường mới nổi là 18% và 2% là chảy vào những thị trường cận biên như thị trường Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể thấy việc nâng hạng thị trường đóng một vai trò rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi sự vận động của thị trường chịu ảnh hưởng lớn của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 20% tổng tài sản trên thị trường và giá trị giao dịch chiếm đến 14%.
Theo góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán thì dòng vốn tiềm năng đổ vào Việt Nam là cực kỳ lớn. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán MB dự đoán rằng sẽ có khoản 184 đến 555 triệu đô la đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn ở Công ty Chứng khoán Bảo Việt các quỹ đầu tư chỉ số liên quan trên thế giới có thể mua vào với giá trị là hơn 1 tỷ đô la nếu được cả FTSE và MSCI nâng hạng lên thành thị trường đang phát triển. Ngoài ra, Việt Nam còn sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư với quy mô tài sản lớn như Vanguard FTSE Emerging Market ETF, quỹ đầu tư vào thị trường đang phát triển lớn nhất thế giới.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng thì lợi ích lớn nhất đó là thị trường sẽ thu hút một lượng vốn chắc chắn từ những quỹ đầu tư thụ động đang mô tả những chỉ số mà Việt Nam được thêm vào. Khi đó, các quỹ ETF sẽ phải phân bổ một phần quy mô vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo tỷ trọng phân bổ cho thị trường Việt Nam trong chỉ số FTSE Emerging Markets Index. Mức phân bổ của quỹ cho các cổ phiếu thành phần sẽ còn phụ thuộc vào vốn hóa của thị trường. Những doanh nghiệp vốn hóa lớn VIC, VNM, VCB, MSN hay TCB là đối tượng hưởng lợi chính từ xu hướng phân bổ vốn nói trên. Thêm vào đó, khi nâng hạng thị trường thì tính thanh khoản của thị trường chắc chắn sẽ cải thiện.
Tác động của việc đánh giá lại thứ hạng thị trường đối với giá cổ phiếu những quốc gia có sự thay đổi
Ngoài việc tác động đến xu hướng dịch chuyển của các dòng vốn, sự thay đổi thứ hạng thị trường qua việc đánh giá lại cũng tác động đến giá cổ phiếu của một quốc gia. Trong phần lớn trường hợp, nhà đầu tư hay nhà phân tích tài chính để giao dịch chứng khoán thường không dùng yếu tố thay đổi xếp hạng thị trường để định giá cổ phiếu. Do việc đánh giá xếp hạng bởi các tổ chức quản lý chỉ số không diễn ra thường xuyên mà chỉ diễn ra định kỳ.
Bảng: Dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại không có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc nâng hạng thị trường có tác động tới giá cổ phiếu. Theo một nghiên cứu (Investing in the Presence of Massive Flows) được công bố trên tạp chí học viện CFA thực hiện bởi nhóm tác giả Burnham, Gakidis and Wurgler trong giai đoạn 2000-2015 đã công bố những kết quả về mối liên hệ trên. Công trình này nghiên cứu mức sinh lời của thị trường ở các giai đoạn trước, trong và sau khi thay đổi thứ hạng thị trường trong thời gian nói trên. Qua đó, nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay đổi của thứ hạng thị trường có tác động đến giá cổ phiếu trong 3 giai đoạn nêu trên. Khi đó, giá sẽ điều chỉnh một cách chậm với thông tin thay đổi, điều này cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư dự báo và hành động kịp thời đối với diễn biến giá. Đặc điểm chung trong biến động giá cổ phiếu là giá thường điều chỉnh giảm sau khi tăng (từ giai đoạn công bố thông tin đến khi có hiệu lực) trong trường hợp nâng hạng. Ngược lại, giá điều chỉnh tăng sau giai đoạn tổ chức kiểm soát chỉ số công bố và có hiệu lực việc đánh rớt hạng thị trường của quốc gia đó. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở giai đoạn công bố thông tin đến khi có hiệu lực giá cổ phiếu thường biến động khoảng ± 23% và điều chỉnh sau đó trong khoảng ± 12,5%. Mặc dù mẫu nghiên cứu còn hạn chế nhưng cũng đã cho nhà đầu tư một góc nhìn khác về thị trường. Sự tương quan giữa giá cổ phiếu và việc thay đổi thứ hạng thị trường mà tại đó giá cổ phiếu sẽ được bù trừ trước hoặc sau khi có kết quả thay đổi thứ hạng khoảng một năm.
Trên thế giới có 10.000 tỷ đô la tổng tài sản được đầu tư thụ động theo chỉ số vào 3 nhóm thị trường được phân loại theo MSCI. Khi đó, sự thay đổi thành phần của trong nhóm chỉ số này sẽ làm thay đổi đáng kể dòng vốn quốc tế vào mỗi quốc gia qua các lần đánh giá lại. Tháng 6 năm 2013, với thông tin MSCI thăng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cho Qatar và UAE đã khiến hai thị trường này tăng lần lượt là 54% và 98% trong suốt giai đoạn. Kết quả đánh giá thăng hạng thị trường cho Pakistan trong năm 2017, với đánh giá từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã khiến thị trường tăng 26% và giảm 28% trong thời gian sau đó. Tương tự năm 2019, Argentina cũng tăng 15% trong năm đầu công bố thăng hạng và giảm 26% năm tiếp theo đó. Điều này càng có thêm cơ sở để củng cố cho lý thuyết của nghiên cứu trình bày ở trên.