Vai trò quỹ dự trữ ngoại hối đối với Việt Nam

Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Việt Nam là tiêu đề nổi bậc trên khắp các mặt báo trong thời gian qua. Theo đó, Việt Nam vi phạm cả ba tiêu chí theo các Đạo luật được ban hành từ Mỹ liên quan đến các vấn trong việc theo dõi tỷ giá hối đoái với các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ. Một trong ba tiêu chí vi phạm là Việt Nam có mức dự trữ ngoại hối trên GDP vượt mức theo các quy định của Mỹ.

Tóm lược:

  • Như đã đề cập trong bài viết trước, mô hình kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động bởi mô hình kinh tế của các quốc gia Châu Á
  • Một chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất ở khu vực châu Á
  • Trong suốt một thời gian dài Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại do giá trị nhập khẩu lớn hơn giá trị xuất khẩu của quốc gia

        Như đã đề cập trong bài viết trước, mô hình kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động bởi mô hình kinh tế của các quốc gia Châu Á, vì vậy việc dự trữ ngoại hối ở mức cao có thể là một trong những đặc điểm chung của nền kinh tế khu vực này và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

        Thật vậy, Châu Á chiếm tỷ lệ rất lớn đối với dự trữ ngoại hối của toàn thế giới. Chi phí cơ hội của việc dự trữ ngoại hối là rất lớn. Tuy nhiên, đối với các quốc gia châu Á thì giá trị của quỹ dự trữ ngoại hối mang lại cho họ là còn lớn hơn thế.

        Để có thể can thiệp vào tỷ giá thì đòi hỏi mỗi quốc gia phải có một quỹ dự trữ ngoại hối đủ lớn để có thể can thiệp khi cần thiết. Có lẽ các quốc gia châu Á đã rút được bài học kinh nghiệm sau đợt khủng hoảng Đông Á 1997. Khi đó các quốc gia châu Á đều neo tỷ giá theo đồng đô la nhưng với mức dự trữ ngoại hối quá thấp đã không thể đủ chống đỡ trước các đợt tấn công tiền tệ từ các quỹ đầu cơ. Quỹ dự trữ ngoại hối càng lớn thì mức độ ổn định của đồng nội tệ càng lớn.

Hình: Dự trữ ngoại hối tại các quốc gia Châu Á

        Chi phí của việc nắm giữ một quỹ dự trữ ngoại hối đó là để mua vào một lượng đô la vừa được bơm từ thị trường quốc tế thì Chính phủ phải tung vào một lượng lớn VNĐ để mua đô la Mỹ. Để hạn chế tác động của lạm phát trong nền kinh tế thì Chính phủ sẽ phát hành các trái phiếu Chính phủ để có thể trung hòa lượng tiền vừa mới gia tăng. Tác động ròng của hành động can thiệp từ Chính phủ đó là quỹ dự trữ ngoại hối sẽ gia tăng, đồng thời là sự gia tăng trong nợ công của Chính phủ. Ngược lại trong những thời điểm Chính phủ muốn bán đô la ra ngoài thì Chính phủ sẽ bơm tiền trở lại nền kinh tế thông qua việc mua lại các trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng thương mại. Như vậy tác động của việc gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối là Chính phủ các nước phải trả lãi cho phần nợ công vừa mới huy động với lãi suất cao (lãi suất các quốc gia châu Á đều cao hơn Mỹ, trừ Nhật Bản) trong khi đó các tài sản mệnh giá bằng đồng đô la của quỹ dự trữ ngoại hối lại cho mức lãi suất thấp hơn.

        Đối với Việt Nam, mặc dù quỹ dự trữ ngoại hối không lớn như những quốc gia khác nhưng quỹ dự trữ ngoại hối cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tỷ giá của Việt Nam. Đồ thị cho thấy trong những giai đoạn quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam sụt giảm cũng là lúc mà giá trị VNĐ bị mất giá rất nhiều so với đồng đô la. Trong những giai đoạn từ sau 2014, khi mà dự trữ ngoại hối của Việt Nam bắt đầu tăng mạnh tỷ giá cũng bắt đầu đi vào quỹ đạo ổn định. Thực ra khi nền kinh tế ổn định thì dòng vốn nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam nhiều qua đó lại góp phần gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối.

        Một chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất ở khu vực châu Á khi tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013 là đến 23%.

Biểu đồ: Tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam qua các năm. Đơn vị: Triệu đô la Mỹ

        Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu được duy trì ở mức rất cao, tuy nhiên do các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn chưa phát triển nên rất nhiều máy móc, nguyên liệu và phụ tùng phải nhập từ nước ngoài. Điều đó dẫn đến Việt Nam phải chi một lượng lớn ngoại tệ cho việc nhập khẩu các hàng hóa.

        Trong suốt một thời gian dài Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại do giá trị nhập khẩu lớn hơn giá trị xuất khẩu của quốc gia. Chính vì điều đó nên tác động của xuất khẩu lên tăng trưởng kinh tế lại là yếu tố làm giảm GDP. GDP của nền kinh tế được xác định bằng C + I + G + (X-M). Trong đó C đại diện cho chi tiêu của hộ gia đình, I là đầu tư của doanh nghiệp và G là chi tiêu của Chính phủ. Biểu đồ bên dưới cho thấy phần lớn tăng trưởng của Việt Nam là đến từ tiêu dùng của cá nhân và đầu tư của doanh nghiệp. Do đó việc nói tăng trưởng xuất khẩu góp phần tăng trưởng kinh tế là chưa đúng. Đối với những nền kinh tế không hoàn chỉnh như Việt Nam thì việc tăng trưởng xuất khẩu đôi khi phải cần một sự gia tăng tương ứng trong giá trị nhập khẩu. Kết quả là chưa hẳn sự gia tăng xuất khẩu sẽ làm gia tăng GDP. Chỉ khi nào nền kinh tế thực sự phát triển được nền kinh tế có công nghiệp phụ trợ phát triển thì khi đó những sự gia tăng trong xuất khẩu mới có thể chuyển hóa phần tăng trưởng xuất khẩu đó vào tăng trưởng GDP.

Biểu đồ: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội Việt Nam qua các năm

        Có thể thấy, Việt Nam nhờ vào việc dữ trự ngoại hối cao mà có thể giữ được tỷ giá ở mức ổn định so với đồng đô la Mỹ, từ đó gia tăng được sức hấp dẫn của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, thúc đẩy tăng trưởng GDP thông qua biến số xuất khẩu ròng. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu cơ chế gián tiếp trong việc gia tăng/giảm quỹ dự trữ ngoại hối có thực sự đáng lo. Nếu nợ công gia tăng đến từ các dự án đầu tư công không hiệu quả thì đó mới là vấn đề đáng quan ngại còn nếu việc nợ công gia tăng đến từ việc gia tăng trong quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia thì nhìn chung tài sản và nợ trên bảng cân đối kế toán của quốc gia đều tăng lên như nhau, nên không để lại các tác động tiêu cực đáng kể. Vì thế khi đánh giá nợ công gia tăng cần có một sự bóc tách phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tác động từ sự gia tăng trong quỹ dự trữ ngoại hối.