Bước 3: Vai trò của việc tìm kiếm các chỉ số mang tính dự báo

       Nếu chỉ dựa vào những biến đã xảy ra như: Biến tăng trưởng doanh thu và EPS, thì rất khó khăn trong việc dự báo được xu hướng của giá cổ phiếu và mua trước khi nó tăng giá. Để đưa ra quyết định lựa chọn mua các cổ phiếu trước khi nó tăng giá đòi hỏi phải tìm ra được những biến, phải xảy ra trước khi có sự thay đổi của kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, Những biến số này xảy ra trước sự tăng trưởng doanh thu và EPS. Vậy chỉ báo nào là chỉ báo quan trọng để đánh giá một doanh nghiệp, một ngành hay dự báo cả nền kinh tế.

       Thứ nhất, chỉ số đầu tư là chỉ báo thiết yếu cho thấy quyết định quan trọng của doanh nghiệp trong đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng. Hoạt động đầu tư này có thể là: Đầu từ tài sản mới, đầu tư nâng cấp sản phẩm cũ, đầu tư vào những dự án liên doanh hay liên kết hoặc đầu tư vào hàng tồn kho. Kết quả của quá trình đầu tư sẽ gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây là các hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong dài hạn. Động lực chính này làm thay đổi EPS hoặc ít nhất thay đổi mức tăng trưởng của EPS vượt ra khỏi sự kỳ vọng của thị trường và được phản ánh vào trong giá cổ phiếu.

       Thứ hai, chỉ số thay đổi nợ cho chúng ta thấy các quyết định tài trợ của doanh nghiệp thông qua những quyết định tăng hay giảm cơ cấu nợ. Những chỉ số này, cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng trong tương lai. Việc một doanh nghiệp sẵn sàng gia tăng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ là những chỉ báo doanh nghiệp đang gia tăng đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp đang tận dụng cơ hội để gia tăng lợi nhuận và chấp nhận mức rủi ro tài chính cao hơn để đạt được mục tiêu kỳ vọng. Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào chỉ số đầu tư và cơ cấu nợ này, để lựa chọn ra một cổ phiếu có câu chuyện hay kế hoạch nói lên triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Nếu như hai chỉ số này được kết hợp với bức tranh tổng thể của doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc các doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế, thì chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh tổng thể về những chỉ số chính đối với doanh nghiệp như thế nào. Nếu những chỉ số cho thấy sự gia tăng mạnh nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp trong mỗi ngành để gia tăng đầu tư, thì chúng ta có thể đánh giá mức độ lạc quan của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

       Mặc dù, những nhà đầu tư chứng khoán luôn cố gắng tìm kiếm những cơ hội tốt nhất trên thị trường, nhưng thực sự doanh nghiệp mới là người nghiên cứu, tìm kiếm và đưa ra những quyết định đầu tư mỗi ngày một cách kỹ càng. Doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, đắn đo hơn nhiều so với những nhà đầu tư cá nhân hay nhà phân tích, vốn chỉ để đưa ra thời điểm và quyết định phù hợp trong đầu tư. Để có được những quyết định đó thì doanh nghiệp phải đánh giá triển vọng vĩ mô, xu hướng ngành và những đối thủ cạnh tranh có những động thái gì để ra quyết định đầu tư. Trong trường hợp tất cả những đối thủ trong một ngành đều cùng đưa ra quyết định đầu tư, thì đây là một chỉ báo cho thấy rằng tất cả họ đang tin vào một xu hướng chung, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành. Nếu tất cả những ngành nghề trong nền kinh tế đều gia tăng đầu tư thì họ cho rằng vấn đề cạnh tranh không còn quan trọng, vì cơ hội hiện tại lớn hơn nhiều để có thể gia tăng đầu tư trong thời gian tới. Nhà đầu tư nhìn vào kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành, giữa ngành nghề trong nền kinh tế với nhau chúng ta có thể thấy bức tranh về triển vọng kinh tế vĩ mô thông qua những nhà làm kinh tế. Bức tranh nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ cho chúng ta thấy xu hướng sử dụng nợ của doanh nghiệp và được đánh giá tốt ra sao khi làm cơ sở xác định mức giá cổ phiếu.

       Các chỉ số vĩ mô chính trong nền kinh tế, cũng chính là những chỉ số mà những nhà kinh tế học cũng đang sử dụng để đánh giá triển vọng của nền kinh tế. Những chỉ số đánh giá mức độ lạc quan của nền kinh tế như hoạt động đầu tư của tư nhân, đầu tư công và chi tiêu của hộ gia đình. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng là yếu tố quan trọng được xem xét quan tâm khi nó giúp chúng ta đánh giá xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới như thế nào. Mặc dù, các đánh giá trên rất có lợi trong việc đưa ra quyết định đầu tư, nhưng những chỉ số vĩ mô quá tổng thể và trừu tượng, nên chúng ta không thấy tác động của từng yếu tố riêng lẻ, đặc thù trong bức tranh vĩ mô như thế nào. Hơn nữa, đối với nhiều nước có chỉ số vĩ mô sai lệch như Việt Nam thì vấn đề trên lại càng trầm trọng.

       Điển hình như năm 2018, khi nền kinh tế trong nước đang diễn biến rất tốt nhưng những kết quả trên thị trường chứng khoán lại diễn ra không tương xứng. Mặc dù, mức tăng trưởng tín dụng của thị trường đang duy trì tốt, nhưng chúng ta biết mức tăng trưởng này lại đến từ khu vực hộ gia đình và khu vực các doanh nghiệp. Trong tăng trưởng từ khu vực các doanh nghiệp được chia thành: Doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy mức tăng trưởng tín dụng có thể thấy rằng nền kinh tế đang tốt, nhưng thực tế mức tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp trên sàn lại đang ở mức thấp so với những năm trước. Nhưng những chỉ số vĩ mô lại không thể hiện điều này, ngược lại nếu nhìn vào chỉ số của doanh nghiệp niêm yết thì xu hướng trên được thể hiện rất rõ ràng.

       Tiếp đến, mặc dù mức đầu tư trong nền kinh tế lớn nhưng thực tế điều đó chưa nói lên nhiều vấn đề về nền kinh tế. Thứ nhất về đầu tư, tuy đầu tư trong nền kinh tế tăng nhưng thực tế lại đến từ các doanh nghiệp FDI, nghĩa là dòng vốn trong nước đến từ những doanh nghiệp nước ngoài thay vì nhóm doanh nghiệp trong nước. Thứ hai về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt hàng năm đến từ các doanh nghiệp FDI không phải đến từ doanh nghiệp niêm yết. Sự đóng góp của khu vực FDI thông qua hoạt động đầu tư và xuất khẩu đã làm sai lệch về mức tăng trưởng của nền kinh tế. Từ đó, chúng ta hiểu được tại sao lại có mức tương phản giữa bức tranh thị trường tài chính và nền kinh tế thực. Như vậy, chúng ta cần phải tìm được những chỉ số chính, vì những chỉ số này bám sát vào từng doanh nghiệp niêm yết hay từng ngành mà chúng ta đang phân tích. Phân tích những chỉ số chính nêu trên có nhiều ưu điểm và tốt hơn nhiều so phân tích những chỉ số vĩ mô, nhất là đối với nền kinh tế có chỉ số vĩ mô bị lệch như Việt Nam.

Share: