Tư duy đa chiều (P1)
Xin mến chào quý bạn độc giả, trong những ngày gần đây có lẽ dịch bệnh và giãn cách xã hội đang là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, thực ra câu chuyện mà chúng ta thấy nóng nhất là những sự việc gây tranh cãi diễn ra xung quanh vấn đề giản cách xã hội, mặc dù tình hình dịch bệnh thực quan đang đáng lo hơn. Trong bài viết tuần này, tôi sẽ không bàn về những vấn đề đang nóng trong xã hội nhưng sẽ mang đến cho các bạn một góc nhìn mới thông qua việc chia sẻ tầm quan trọng của tư duy đa chiều.
Cách tiếp cận đa chiều là một phương pháp liên quan đến việc kết nối một cách phù hợp các vấn đề tưởng chừng không liên quan trực tiếp với nhau để xác định lại một vấn đề theo một cách nghĩ khác với tư duy truyền thống. Cách tiếp cận đa chiều được sự quan tâm từ các chuyên gia phát triển các kỹ năng nhưng nếu nhìn theo một góc độ đời thường thì đây chỉ là việc chúng ta định hướng nhìn nhận các vấn đề theo hướng đa chiều thay vì chỉ tập trung vào một vài khía cạnh nào đó mà chúng ta cảm thấy hiểu nhiều nhất. Một trong những rào cản lớn nhất của phương pháp tiếp cận đa chiều đó là quan niệm truyền thống về quá trình chuyên môn hóa trong việc giải quyết các vấn đề. Quan niệm truyền thống này thực tế đã tác có tác động không tốt đến lợi ích của xã hội. Trong những năm gần đây, phương pháp tư duy đa chiều là một mối quan tâm của chính phủ bởi vì họ đang rất cần các nhân sự có các lợi thế trong việc suy nghĩ về các hệ thống phức tạp như nền kinh tế họ đang quản lý.
Người có lẽ là thiên tài nhất trong việc áp dụng tư duy đa chiều cho những lĩnh vực khác nhau chính là Elon Musk. Vị tỷ phú được mệnh danh là “Iron Man” của đời thực này đã xây dựng được tới 4 công ty trị giá hàng tỷ đô la Mỹ trong 4 lĩnh vực khác nhau gồm phần mềm, năng lượng, phương tiện giao thông và không gian chỉ ở độ tuổi hơn 40.
Tục ngữ Việt Nam có dạy là: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, rằng chỉ nên tập trung vào 1 lĩnh vực cốt lõi của mình thôi, đừng cái gì cũng biết nhưng cuối cùng lại chẳng thể thuần thục cái gì cả. Lời khuyên này có ý nói nếu cố học trong nhiều lĩnh vực, bạn sẽ chỉ nắm được bề nổi và không bao giờ đạt đến cấp độ thành thạo được. Thông thường mọi người nói rằng để đạt được đẳng cấp như Elon Musk, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực duy nhất. Nhưng Musk đã phá vỡ những định kiến từ quy tắc này. Ông tinh thông trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau từ tên lửa, kỹ thuật, vật lý, trí thông minh nhân tạo cho đến năng lượng mặt trời.
Elon Musk thuộc kiểu người nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nắm vững sâu sắc những quy tắc kết nối các lĩnh vực này và sau đó ứng dụng những quy tắc đó vào chuyên môn chính của họ. Học và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực đa dạng mang lại cho bạn những lợi thế về thông tin mà hầu hết những người chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực duy nhất không thể có được.
Hãy tưởng tượng thử những giáo sư tại các trường đại học nhưng lại rất có tư duy marketing thì cái họ sẽ tập trung vào trong quá trình truyền đạt không phải là nội dung có đầy đủ hay không, mà là liệu điều họ nó có thể chạm đến sinh viên hay không và liệu những gì họ dạy sẽ có thể tốt cho sinh viên hay không. Đó là tư duy của một người marketing đích thực, nhưng nó lại đang được áp dụng cho một lĩnh vực vốn rất mang tính một chiều truyền thống.
Trên thực tế có rất ít người nỗ lực học hỏi thêm ngoài lĩnh vực chuyên môn chính của mình. Trong khi đó, mỗi lĩnh vực mới lại mang đến cho ta khả năng kết hợp mà những người khác không thể có được. Đây chính là lợi thế của những người có tư duy khái quát đa chiều. Nếu dành thời gian học những khái niệm cốt lõi trong nhiều lĩnh vực và luôn liên kết chúng với cuộc sống xung quanh, việc trao đổi giữa các lĩnh vực sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Bài viết phần một xin được phép kết thúc tại đây, chúng ta sẽ có bài viết về chủ đề này được cập nhật vào tuần sau. Xin mến chúc quý độc giả và gia đình an toàn, nhiều sức khỏe.