Sức khỏe tài chính nhóm các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ

Tín dụng vẫn đang tiếp tục được duy trì tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm, dù vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 15% tăng trưởng của năm nay. Nhiều động lực tăng trưởng mới đã đang xuất hiện đến từ các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ. Đây là một vấn đề đáng quan tâm vì chưa bao giờ vấn đề cân bằng giữa tăng trưởng và chất lượng tài sản cần được lưu ý như lúc nào trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế vẫn còn yếu bởi sức cầu nội địa.

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng xoay quanh mốc 4,5% vào cuối quý 3. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết dù tăng mạnh so với giai đoạn trước nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Theo báo cáo tài chính vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu nội bảng quý 3/2024 của các ngân hàng niêm yết vẫn ổn định ở mức 2,26%, chỉ tăng nhẹ từ mức 2,24% của quý 2. Mức tăng nhẹ này phản ánh hiệu quả từ các chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như khả năng phục hồi năng lực tài chính của các doanh nghiệp sau khi được các ngân hàng bơm mạnh tín dụng trong các quý vừa qua.

Phần lớn mức nợ xấu tăng trưởng nhanh trong thời gian qua lại chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại không niêm yết và các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ nhiều hơn. Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ thường là các ngân hàng có quy mô tài sản dưới 100.000 tỷ đồng. Hoạt động của những ngân hàng này thường khó khăn hơn các ngân hàng thuộc nhóm quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV), nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp (Techcombank, MB Bank, HD Bank…) và nhóm chuyên cho vay cá nhân (ACB, VIB, Sacombank, VP Bank…) bởi những khó khăn trong phân khúc khách hàng vay lựa chọn. Các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ chủ yếu có các ngách tín dụng riêng để duy trì tăng trưởng của mình, do đó luôn có sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía NHNN để đảm bảo tăng trưởng đi đôi với an toàn.

Những vấn đề tăng trưởng cần quan tâm

Trong số các ngân hàng niêm yết thì các ngân hàng nhỏ (sau đây được gọi là các ngân hàng khác trong phân nhóm 4 ngân hàng) luôn có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn hẳn so với các nhóm khác. Năm 2023, nếu như các ngân hàng quốc doanh có mức tăng trưởng tín dụng 14,6%, nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp tăng trưởng 23,2% và nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân tăng trưởng 19,2%; thì các ngân hàng nhóm khác chỉ tăng trưởng dưới 14%.

Xu hướng đó vẫn duy trì tăng trưởng trong giai đoạn đầu năm 2024 khi mức tăng trưởng của nhóm ngân hàng khác vẫn thấp hơn nhiều so với các nhóm còn lại. Tuy nhiên, tăng trưởng của nhóm ngân hàng này bắt đầu tăng vọt trong quý 2 và quý 3 vừa rồi, khi tăng trưởng hai quý vừa rồi của nhóm ngân hàng này là cao nhất hệ thống. Đối với các ngân hàng nhóm khác này thì thị phần cho vay chủ yếu tập trung cho vay các doanh nghiệp có mức năng lực tín dụng thấp hơn so với các nhóm khác. Một điểm chúng ta cần phải lưu ý đó là quý 4 là thời điểm khá nhiều trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn thanh toán, trong đó với một tỷ lệ khá đáng kể từ các doanh nghiệp bất động sản. Nếu các doanh nghiệp này cần được tái cấu trúc về tài chính thì đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng cho nhóm các ngân hàng khác có thể tăng trưởng tín dụng.

Biểu đồ 1: Diễn biến tăng trưởng tín dụng và NIM

Picture2-46

Nguồn: widata.vn

Cùng với đó, kết quả báo cáo tài chính vừa rồi cũng cho thấy các ngân hàng nhóm khác cũng có mức cải thiện NIM đáng kể trong hai quý gần đây. Trong bối cảnh các ngân hàng phải liên tục giảm lãi để kích cầu tín dụng thì NIM của hệ thống ngân hàng vẫn duy trì xu hướng giảm đều, mặc dù đã chậm lại trong những quý gần đây. Tuy nhiên, nhóm các ngân hàng khác lại bất ngờ cải thiện NIM liên tục một cách mạnh mẽ trong hai quý gần đầy.

            Mức NIM của các ngân hàng nhóm khác là thấp nhất trong khối các ngân hàng khi tỷ lệ quý 3 là 2,59 %, trong khi trung bình ngành vào khoản 3,5%; và cũng có mức chênh lệch lớn giữa các ngân hàng trong nhóm khi ngân hàng có NIM thấp nhất chỉ đạt 0,9%. Trong bối cảnh chi phí vốn của các ngân hàng thương mại khác phải tăng nhanh trong những quý vừa rồi do còn phải tăng mạnh huy động tiền gửi để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì mức NIM gia tăng của nhóm ngân hàng này thể hiện rõ xu hướng tập trung đẩy mạnh tín dụng cho nhóm khách hàng sẵn sàng trả mức lãi suất cao hơn để có thể tiếp cận tín dụng. Nhiều ngân hàng nhóm khác đã có mức cải thiện NIM vượt trội trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cuối năm 2023, nhiều ngân hàng trong nhóm đã tăng NIM vượt trội từ 0,5% đến 1%, từ đó giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng.

Chất lượng lợi nhuận cũng cần phải lưu ý

Nợ xấu vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở các nhóm ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu luôn có mức cao chênh lệch so với các nhóm còn lại khi tỷ lệ nợ xấu cao điểm ở quý 2 lên đến mức 5% và có mức chênh lệch rất lớn giữa các ngân hàng trong nhóm. Do danh mục cho vay của các ngân hàng khác thường có mức độ tập trung lớn vào một số khách hàng quy mô lớn nên khi những khách hàng này gặp khó khăn về tài chính thì tỷ lệ nợ xấu của các các ngân hàng thường biến động rất lớn. Mặc dù nợ xấu đã được kiểm soát tốt và có dấu hiệu tạo đáy trong quý 3 tuy nhiên việc tín dụng được bơm mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng giúp nhiều doanh nghiệp khó khăn tài chính được tái cơ cấu lại nguồn vốn. Nợ xấu có xu hướng tặng mạnh và giảm nhẹ ở các ngân hàng hàng khác nhau, do đó tình hình nợ xấu tại nhóm ngân hàng lại càng được quan tâm, mặc dù tỷ lệ này đã sụt giảm đáng kể trong quý 3 vừa rồi.

Nhiều ngân hàng lớn, có tình hình kinh doanh ổn định, vẫn đang gặp phải sự gia tăng trong mức nợ xấu. Ở nhóm quốc doanh thì mặc dù nợ xấu vẫn được quản trị tốt nhất hệ thống tuy nhiên nợ xấu của của BIDV cũng đang trong xu hướng tăng. Tương tự như vậy cho nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn thì tỷ lệ nợ xấu của MB bank, VIB, Sacombank vẫn tiếp tục trong xu hướng tăng. Biến động này cho thấy rủi ro cao hơn khi ngân hàng mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường không ổn định. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng để bảo vệ bảng cân đối tài chính.

Biểu đồ 2: Diễn biến nợ xấu và tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ

Picture2-47

 

Nguồn: widata.vn

Một nguồn thu ổn định khác của ngân hàng là hoạt động động dịch vụ. Hoạt động này của khối ngân hàng nhỏ cũng cho thấy nhiều điểm cần chú ý, khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm xuống mức rất thấp. Trong khi trung bình ngành vào khoảng 18% thì nhóm này thường chỉ vào khoảng 10%, tuy nhiên mức tỷ lệ này đang sụt giảm mạnh trong các quý gần đây khi tỷ lệ này chỉ còn khoảng hơn 5%. Các ngân hàng thuộc nhóm này thường rất phụ thuộc vào thu nhập hoạt động tín dụng trong cơ cấu thu nhập. Với việc tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh thể hiện thu nhập từ hoạt động tín dụng đã tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn vừa qua, xác nhận thêm về những xu hướng tăng trưởng tín dụng và cải thiện NIM mà chúng ta đã phân tích ở trên.

Dự kiến, tín dụng sẽ được đẩy mạnh trong quý 4/2024, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái cơ cấu và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Điều này có thể giúp tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ trong ngắn hạn, tạo đà tích cực cho các ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu chỉ tạm thời lắng xuống khi Thông tư 06 hết hiệu lực vào cuối năm. Khi đó, các khoản nợ tái cơ cấu có thể trở thành nợ xấu mới, gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng trong nhóm doanh nghiệp lớn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro dài hạn. Nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong các quý tiếp theo, đặc biệt là ở những ngân hàng có danh mục tín dụng tập trung cao vào cho vay các doanh nghiệp phát triển bất động sản.

Do đó, việc các ngân hàng thương mại khác tăng trưởng tín dụng nhanh trong giai đoạn vừa qua là một điểm rất cần sự chú ý. Một mặt, đây là động lực giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm tuy nhiên nó cũng có thể tiềm ẩn tạo ra những rủi ro cho hệ thống khi các khoản nợ chất lượng thấp có thể được tích tụ ở khu vực này.

Lê Hoài Ân, CFA

Trần Hoàng Hưng

Share: