Sự thần kỳ của châu Á được tạo ra từ mô hình ACD như thế nào?

      Vai trò kinh tế các quốc gia châu Á trên bản đồ toàn cầu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên thị trường tài chính tại các quốc gia này vẫn chưa phát triển như các quốc gia Châu Âu hay Bắc Mỹ, cho dù đó là những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc.

      Những gì các quốc gia khác nghĩ về Châu Á là những câu hỏi về sự khó hiểu trong cơ chế vận hành của thị trường, về những câu hỏi tại sao nền kinh tế Châu Á lại thiếu sự tự do như những gì mà ông tổ Kinh tế học Adam Smith khuyến khích trong suốt hàng trăm năm qua, tại sao chính phủ lại can thiệp rất nhiều vào nền kinh tế như vậy.

      Nhưng tất cả đều có logic của nó và mọi thứ đều vận hành theo một trật tự nhất định. Hãy suy nghĩ về bối cảnh 50 năm trước đây khi phần lớn các quốc gia Châu Á đều bắt đầu lại từ đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi các quốc gia đang phát triển khác tại Mỹ La Tinh, Đông Âu rồi châu Phi vẫn còn đang vật lộn trên con đường phát triển thì các quốc gia Châu Á đã lần lượt hóa rồng. Từ Nhật Bản, Hàn Quốc sau này là Singapore, Đài Loan và gần đây nhất là Trung Quốc. Các quốc gia Châu Á dù chưa có những thành công như những quốc gia nói trên nhưng cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển để luôn nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp GDP của Châu Á trên tổng GDP toàn cầu đã tăng mạnh trong vòng 40 năm qua. Tất cả các quốc gia Châu Á đều có những điểm tương đồng về cách thức điều hành nền kinh tế.

Biểu đồ: Tỷ trọng GDP châu Á so với toàn cầu gia tăng trong thời gian qua

      Nhật Bản là quốc gia Châu Á đầu tiên theo mô hình kinh tế ACD và những chính sách kinh tế đó đã mang lại các bước tiến nhanh chóng về kinh tế cho Nhật Bản. Sau vài thập kỷ triển khai, năng lực kinh tế của Nhật Bản đã phát triển nhảy vọt và thậm chí trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì cả thế giới khi đó đã tưởng tượng viễn cảnh nền kinh tế Nhật Bản vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới không còn xa. Tất nhiên điều đó không xảy ra khi cơn khủng hoảng nhà đất những năm 1990 đã khơi nguồn cho 2 thập niên suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản cho đến nay. Tuy nhiên, những thành tựu của mô hình kinh tế ACD đối với Nhật Bản là một điều không thể phủ nhận. Rất nhiều quốc gia Châu Á cũng đã học hỏi phần nào mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản trước khi điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của các quốc gia khác nhau.

      Một số nước khác như Hàn Quốc và Trung Quốc đã tìm thấy thành công tương tự trong việc thực hiện mô hình kinh tế ACD. Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu những năm thập niên 50 đã trở thành một cường quốc kinh tế Châu Á vào những năm 90 của thế kỷ trước. Trung Quốc sau khi cải cách năm 1978 cũng đã phát triển kinh tế theo mô hình ACD và chỉ sau 40 năm, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn số 2 thế giới với các tập đoàn kinh tế khổng lồ. Tuy nhiên, các quốc gia còn lại tại Châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á gặp rắc rối khi không thể áp dụng thành công mô hình kinh tế này và vẫn đang bị mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình. Trong những phần sau sẽ giải thích cho bạn chi tiết hơn về những gì đã và đang diễn ra tại các quốc gia Đông Nam Á.

      Khi sử dụng mô hình kinh tế ACD, các chính phủ tập trung nguồn vốn của xã hội vào một số ngành nghề nhất định thông qua các công ty do nhà nước hoặc các công ty tư nhân liên quan đến nhà nước thực hiện, qua đó biến các chương trình kế hoạch kinh tế của chính phủ thành hiện thực. Kết quả, chu kỳ nợ là một yếu tố hiện diện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế tại các quốc gia Châu Á khi một số ngành nghề được bơm nợ trong giai đoạn này trong khi một số ngành nghề khác được bơm nợ trong giai đoạn sau của mỗi nền kinh tế.

      Vai trò của hệ thống ngân hàng nội địa là cực kỳ quan trọng để chính phủ có thể dẫn dắt quá trình. Câu hỏi kế tiếp đặt ra là nguồn vốn nợ để phát triển kinh tế này đến từ đâu? Câu trả lời đó là chính phủ Châu Á thường xuyên kiểm soát hệ thống ngân hàng nội địa, thông qua đó chính phủ có thể kiểm soát nguồn vốn tích lũy trong công chúng cũng như định hướng dòng chảy cho dòng vốn trong nền kinh tế vào các ngành nghề mục tiêu. Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giải ngân nguồn tín dụng giá rẻ này đến các nhóm đối tượng cụ thể. Cũng chính những định hướng này của chính phủ, mặc dù mang lại những kết quả trong việc phát triển kinh tế nhưng cũng làm thị trường vốn của quốc gia bị phát triển biến dạng, và mức độ sai lệch của thị trường vốn mỗi quốc gia tùy thuộc vào mức độ can thiệp của từng quốc gia trong khu vực.

      Khi phân tích về tình hình phát triển kinh tế của quốc gia thì các nhà kinh tế học thường cung cấp các số liệu về mức tăng trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tôi nghĩ rằng phần lớn các bạn cũng giống như tôi trước đây khi không nhận thức được tầm quan trọng của những con số này. Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là một cấu trúc kinh tế cơ bản của mỗi quốc gia. Thông qua việc so sánh tỷ lệ của ba lĩnh vực này theo thời gian chúng ta sẽ có thể thấy được sự thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế. Khi so sánh cơ cấu kinh tế này với các quốc gia này thì chúng ta có thể so sánh được mức độ phát triển giữa các quốc gia khác nhau.

      Các chính sách phát triển của quốc gia trong dài hạn sẽ được thể hiện bằng sự thay đổi trong cấu trúc của các ngành nghề sau. Dựa vào đặc điểm của mình mà các quốc gia sẽ lựa chọn các tổ hợp giải pháp phát triển khác nhau qua các giai đoạn phát triển. Mô hình phát triển kinh tế ACD sẽ tập trung phân tích quá trình phát triển và triển vọng của mỗi nền kinh tế thông qua việc phân tích mức độ phát triển của các quốc gia theo cấu trúc như trên.