Nguồn lực con người và thịnh vượng quốc gia
Tóm lược:
- Quy luật chuyển dịch của các nền kinh tế
- Câu chuyện về việc chuyển dịch năng suất lao động ở Hàn Quốc
- Tất cả những thịnh vượng kinh tế đó đều được xây dựng trên việc phát triển một nguồn lực con người bền vững qua các thế hệ với các chính sách vĩ mô phù hợp.
Câu chuyện bóng đá không là tất cả nhưng nó một lần nữa cho chúng ta một bài học về động lực phát triển không ngừng của những con người ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia phát triển hàng đầu châu Á, không chỉ về vấn đề kinh tế mà còn cả về vấn đề phát triển con người. Họ không chỉ giỏi về kinh tế và sản xuất, mà còn giỏi về các hoạt động văn hóa xã hội trong việc lan tỏa thông điệp ý chí không ngừng vươn lên của quốc gia.
Một điều chúng ta cần lưu ý, đó là vào những năm 1960 các đội tuyển quốc gia môn bóng đá nam của Nhật Bản và Hàn Quốc có trình độ ngang ngửa với đội tuyển miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, nền kinh tế của Hàn Quốc và Việt Nam khi đó cũng rất tương đồng.
Sau hơn nửa thế kỷ, sự phát triển về nền kinh tế và nền bóng đá của hai quốc gia rất khác nhau. Nhật Bản và Hàn Quốc là những đội bóng châu Á thường xuyên tham dự World Cup nhất và kinh tế thì phát triển vượt trội hoàn toàn so với Việt Nam. Câu chuyện bóng đá một lần nữa gợi nhớ cho chúng ta về con đường phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong suốt ngần ấy thời gian và đó dường như là công thức mà người Nhật cũng đã đi qua trước đó.
Quy luật chuyển dịch của các nền kinh tế
Dòng chảy lịch sử của các nền kinh tế trên thế giới đã trải qua ba giai đoạn chính: nông nghiệp, công nghiệp và cuối cùng là dịch vụ. Quá trình dịch chuyển nền kinh tế qua các giai đoạn nói trên sẽ yêu cầu sự thay đổi trong năng lực của người lao động để quá trình chuyển dịch có thể được thực hiện thành công.
Giai đoạn nền kinh tế nông nghiệp đầu tiên, con người làm bạn với con trâu, cái cày và cũng chính vì vậy lao động dựa vào sức người là chủ yếu. Các quốc gia càng có quy mô về dân số càng có lợi thế trong phát triển kinh tế. Đó là lý do tại sao tổng GDP của Ấn Độ và Trung Quốc chiếm hơn một nửa của thế giới vào thế kỷ 17.
Nhưng khi nền kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp, lúc này chúng ta có được sự hỗ trợ về máy móc, giúp tiết kiệm sức lao động. Người lao động lúc này cũng đòi hỏi phải có tính kỷ luật hơn, bởi mỗi người lao động được xem là một mắt xích quan trọng trong từng khâu, từng mảnh ghép của một quá trình tạo nên sản phẩm công nghiệp.
Khi sản phẩm công nghiệp bắt đầu được cải thiện nhưng mang tính đại trà, nhận thức con người thay đổi, thì công nghệ và năng suất lao động trở thành yếu tố chủ chốt cho sự gia tăng về quy mô GDP. Công nghệ và/hoặc chất xám kết tinh vào trong một sản phẩm lúc này chính là yếu tố quyết định cho giá trị của sản phẩm đó.
Lấy ví dụ về lĩnh vực điện ảnh tại Hàn Quốc, nơi hàng loạt bộ phim Hàn đình đám liên tục làm mưa làm gió tại các màn ảnh các quốc gia châu Á khi kiếm về cho những nhà làm phim hàng tỉ đô la Mỹ chỉ sau một thời gian công chiếu ngắn.
Bộ phim Hậu duệ mặt trời được xem là một trong những bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh châu Á. Với doanh thu công chiếu và quảng cáo xấp xỉ 3 tỉ đô la mang lại từ bộ phim thì con số này tương đương hơn 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu, tương đương 30% sản lượng gạo cả nước sản xuất trong năm hiện tại.
Mỗi quốc gia sẽ trải qua các giai đoạn phát triển nói trên, tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng thực hiện thành công. Thành công có thể tạm định nghĩa là không chỉ giới hạn trong việc chuyển dịch qua các bước, mà còn phải đảm bảo được sự gia tăng trong thu nhập của người lao động ở mỗi quốc gia. Một quốc gia chuyển dịch thành công sẽ có thể tạo ra sự gia tăng rất lớn trong thu nhập của người lao động.
Chúng ta có thể thấy mức độ tương đồng trong thu nhập giữa Hàn Quốc so với các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan những năm 1960, tuy nhiên quá trình chuyển dịch kinh tế thành công đã giúp Hàn Quốc tạo ra sự khác biệt so với các quốc gia khác.
Việc phát triển nguồn lực con người của một quốc gia không diễn ra ngẫu nhiên, mà nó phụ thuộc vào các chiến lược và phát triển nguồn lực có chủ đích của Chính phủ ở mỗi quốc gia qua các giai đoạn khác nhau.
Câu chuyện về việc chuyển dịch năng suất lao động ở Hàn Quốc
Sự thay đổi trong cách tiếp cận của hệ thống giáo dục của Hàn Quốc đóng vai trò rất quan trọng. Với nguồn lực lao động có nền tảng thấp từ một quốc gia hậu chiến, Hàn Quốc đã xây dựng một chiến lược phát triển nguồn lực quốc gia rất đặc biệt, khi sự phát triển của nguồn lực lao động gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế của quốc gia qua từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 (1948-1960): mở rộng giáo dục tiểu học và giáo dục xóa mù chữ để tạo nền tảng phát triển kinh tế và chuẩn bị các yếu tố nền tảng cho người lao động để phát triển nền công nghiệp ở giai đoạn sau.
Giai đoạn 2 (1961-1980): tái định hướng đầu tư cho giáo dục trung học phổ cập và giáo dục nghề nghiệp song song. Hàn Quốc đã đạt được bước nhảy vọt về kinh tế qua đầu tư vào nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong giai đoạn 1967-1971, bao gồm phục vụ cho cơ cấu kinh tế định hướng xuất khẩu.
Giai đoạn 3 (1981-1997): củng cố giáo dục nghề nghiệp và phát triển giáo dục bậc cao. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc đẩy mạnh giáo dục nghiên cứu những công nghệ cần thiết cho các ngành công nghiệp có ưu thế vượt trội để xây dựng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Giai đoạn 4 (1997 đến nay): Phát triển nền kinh tế tri thức. Từ giữa thập kỷ 1990, Hàn Quốc bắt đầu đầu tư phát triển con người một cách toàn diện. Chính phủ nước này xây dựng hệ thống để phát triển liên tục năng lực và năng suất lao động của người dân qua phát triển một hệ thống giáo dục trọn đời.
Hàn Quốc trong suốt một thời gian dài luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) trên GDP cao nhất trên thế giới. Việc đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ cũng như con người khiến Hàn Quốc luôn có nhiều lợi thế trong việc phát triển các lĩnh vực mới của thế giới, đặc biệt là đối với nhóm ngành dịch vụ, nơi yếu tố chất lượng người lao động đóng vai trò tiên quyết.
Tất cả những thịnh vượng kinh tế đó đều được xây dựng trên việc phát triển một nguồn lực con người bền vững qua các thế hệ với các chính sách vĩ mô phù hợp.
Saigontimes, 12/2022