Ngành tiêu biểu năm 2021: Ngành công nghệ trong xu hướng chuyển đổi số toàn cầu

Tóm lược

  • Ngành công nghệ thông tin không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, mặt khác thì dịch còn giúp đẩy nhanh xu hướng số hóa doanh nghiệp.
  • Chính phủ có nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong nước.

         Công nghệ đã đang thay đổi cách vận hành của xã hội từ kinh doanh cho đến đời sống và thậm chí trong cách Chính phủ điều hành quản lý quốc gia. Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ vững chắc. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đang loay hoay trong công cuộc chuyển đổi sổ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin…Do đó, để hội nhập kịp thời với xu hướng thế giới, Chính phủ trong những năm gần đây đã dành rất nhiều sự quan tâm cho việc phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành hơn nữa trong tương lai.

         Năm 2021, ngành công nghệ thông tin dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng gia tăng đầu tư công, khi chuyển đổi số là một trong 5 lĩnh vực trọng tâm đầu tư của Chính phủ trong giai đoạn trung hạn từ 2021 đến 2025 với quy mô đầu tư trong giai đoạn này dự kiến đạt 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, gói đầu tư công nghệ thông tin có giá trị lên đến 4 nghìn tỷ đồng cho 11 tuyến đường nhằm phát triển các dịch vụ liên quan đến giám sát điều hành, giao thông thông minh, thu phí tự động…

         Thêm vào đó, không chỉ hưởng lợi từ đầu tư công, mà bản thân ngành đã có động lực cũng như xu hướng tăng trưởng rất lớn. Theo một nghiên cứu từ IDC, ngành công nghệ toàn cầu có thể dự kiến đạt quy mô 5 nghìn tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 4,2%. Nếu duy trì ổn định sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 5% cho đến 2024.

         Đối với Việt Nam, ngành công nghệ thông tin Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 26% trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2020. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình toàn ngành là 14,7%. Công nghiệp phần cứng - điện tử viễn thông và công nghiệp nội dung số có tốc độ tăng trưởng trung bình lần lượt là 20,24% và 7,47%. Chính nhờ tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định qua nhiều năm, các doanh nghiệp trong ngành đều có được một bức tranh kinh doanh khả quan hơn so với các lĩnh vực khác dưới sự tác động của đại dịch Covid-19.

Biểu đồ: Tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp công nghệ quý 1 năm 2021

         Kết thúc quý 1 năm 2021, doanh thu thuần Công ty Cổ phần Thế Giới Số Digiworld (Mã cổ phiếu: DGW) đạt 5.007 tỷ, tăng 117% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng đột biến trong giai đoạn này là do sự ra mắt mẫu điện thoại thương hiệu Xiaomi trong quý 1.

         Trong khi đại dịch COVID-19 là cơn ác mộng của phần lớn thì đây lại là cơ hội của một số doanh nghiệp hiếm hoi như FPT. Đại dịch diễn ra đã thúc đẩy sự tăng trưởng ngành công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu. Từ đó, FPT được hưởng lợi từ xu hướng chung, kết quả kinh doanh quý 1 năm 2021 cũng rất khả quan. Kết thúc quý 1 năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FPT lần lượt tăng trưởng 14% và 22% so với cùng kỳ năm 2020.

         Về phía Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Mã cổ phiếu: SGT), doanh thu quý 1 năm 2021 giảm 8% so với cùng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 260% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn này là do SGT có hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong quý 1. Dẫn đến biên lợi nhuận gộp gia tăng đáng kể và kéo theo lợi nhuận quý 1 năm 2021 tăng trưởng đột biến.

         Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thuận lợi và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu dẫn đến sự sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ. Các doanh nghiệp ngành công nghệ trong giai đoạn này gia tăng đầu tư so với những quý liền kề. Trong đó, gia tăng đầu tư mạnh nhất là FPT và SGT.

Biểu đồ: Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ngành công nghệ năm 2021

         Ngành công nghệ là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2021. Động lực tăng trưởng chính của ngành đến từ các gói thầu về công nghệ, cac gói thầu từ đầu tư công, gói thầu thường niên về công nghệ.

         Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như định hình cơ cấu chuyển đổi số quốc gia rõ ràng và hiệu quả. Việt Nam chú trọng đầu tư mạnh vào chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng với các tổ hợp công nghệ thông tin, các khu công nghệ cao để trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư công nghệ nước ngoài.

         Đây chính là hai động lực tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn cuối năm 2021.