Ngành tiêu biểu năm 2020: Số lượng chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh do giãn cách xã hội

Trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước và thế giới đang ở giai đoạn đặc biệt khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Các tuyến bay quốc tế bị ngưng trệ, nhu cầu di chuyển trên các tuyến bay nội địa suy giảm. Nhiều hãng hàng không lâu đời đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản như Norwegian Air của Na Uy, Thai Airways của Thái Lan hay Hainan Airlines của Trung Quốc. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại đều đứng trước nguy cơ phá sản, tái cơ cấu ngành hàng không là việc sống còn đối với doanh nghiệp trong diễn biến tình hình dịch ngoài tầm kiểm soát.

Tóm lược

  • Ngành hàng không trên thế giới gặp khó khăn trước diễn biến đại dịch Covid-19
  • Kỳ vọng ngành hàng không phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên giai đoạn năm 2020 vẫn đang chống chọi với dịch bệnh và thực hiện tái cơ cấu hoạt động nhằm duy trì hoạt động.
  • Ngành hàng không xem Covid là cơ hội đầu tư mới máy bay mặc cho cả kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp trong ngành nhân định đây là cơ hội vì nhiều đơn hàng bị hủy dẫn đến giá máy bay đang giảm.

         Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế công bố nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cao nhất trong lịch sử đường hàng không. Năm 2020, toàn bộ ngành hàng không toàn cầu đều gặp khó khăn do tác động mạnh của dịch Covid-19.

        Các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi có những thời điểm trong năm doanh nghiệp chỉ khai thác 1-2% đội bay hiện có. Sau khi nền kinh tế trong nước có chút khởi sắc, hàng không Việt Nam vẫn chỉ khôi phục được một phần, khoảng 50% đội bay vẫn chờ hoạt động trở lại. Sau dịch, ngành hàng không trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi vì:

Thứ nhất, giảm thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay: Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020. Việc giảm giá nhiên liệu bay là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành hàng không.

Thứ hai, mở rộng đường bay du lịch nội địa: Các hãng hàng không đầu ngành đang dồn dập mở thêm đường bay nội địa, giảm giá để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng tour kích cầu hấp dẫn, phục hồi tăng trưởng cho ngành.

Thứ ba, mở lại các đường bay quốc tế: Việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hãng hàng không khi mà công suất thị trường nội địa hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước dịch. Trong khi các đường bay quốc tế thường mang lại 50-60% doanh thu cũng như lợi nhuận cho cả hãng hàng không và doanh nghiệp khai thác cảng đều sụt giảm.

         Trước những khủng hoảng toàn ngành hàng không, rất nhiều hãng hàng không đã tiến hành tái cơ cấu trong nội bộ kết hợp các biện pháp thắt chặt chi tiêu, giảm nhân sự, giờ làm, xin trợ giúp từ Chính phủ nước sở tại... Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas của Australia, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) sẽ triển khai tái cơ cấu. Theo dự kiến, Vietnam Airlines tiếp nhận việc chuyển giao toàn bộ 30% cổ phần của Qantas tại JPA, Qantas sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng sẽ tiến hành các thủ tục đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines với logo và bộ phận nhận diện thương hiệu mới.

         Có thể thấy, xu hướng tái cơ cấu ngành hàng không đang diễn ra trên toàn thế giới sau những giai đoạn tăng trưởng vượt trội của ngành trong những năm vừa qua. Đây là các giao dịch M&A rất phức tạp với quy mô nguồn vốn lớn có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng không của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ mở ra các cơ hội và thay đổi diện mạo ngành trong thời gian tới cũng như khắc phục lại nhưng khó khăn của ngành sau dịch.

         Ngành hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất trong năm 2020. Các doanh nghiệp vận hàng các đội bay chịu một khoản chi phí cố định rất lớn trong khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Đối với doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ mặt đất cũng cùng chung khó khăn khi số lượng hành khách sụt giảm đột biến trong thời gian dài. Hoạt động cấm và hạn chế chuyến bay thương mại trong và ngoài nước dẫn đến tất cả các doanh nghiệp hàng không dù ở bất kỳ phân khúc hoạt động nào cũng bị ảnh hưởng.

         Đặc biệt là hai doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, hoạt động vận tải hàng khách là Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Mã cổ phiếu: VJC) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã cổ phiếu: HVN). Kết thúc năm 2020, doanh thu của VJC chỉ đạt 18.220 tỷ đồng, giảm đến 64%, còn đối với HVN đạt 40.613 tỷ đồng, giảm 58,6%. Lợi nhuận sau thuế của VJC và HVN cũng sụt giảm mạnh, lần lượt giảm 98% và 537,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây đều là những con số thiệt hại rất lớn của 2 doanh nghiệp trong năm qua. Mặc dù cả hai doanh nghiệp sớm có biện pháp cắt giảm chi phí và khai thác triệt để các máy bay cho hoạt động vận tải hàng hóa nhưng vẫn không bù được tổn thất từ mảng vận tải hàng khách.

         Đối với các doanh nghiệp phục vụ mặt đất như Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã cổ phiếu: SGN) hay Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã cổ phiếu: AST) cũng có kết quả không khả quan. Doanh thu của AST đến từ việc cung cấp thực phẩm cho hành khách trên chuyến bay và các dịch vụ khác tại cảng. Trong khi đó, tình trạng vắng khách kéo dài dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm lần lượt 68,5% và 124,2%. Với những khó khăn tương tự, kết thúc năm 2020 kết quả kinh doanh của SGN đồng loạt giảm mạnh. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 731 tỷ đồng và 85,8 tỷ đồng, giảm 53,9% và 77,3%.

Biểu đồ: Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp hàng không năm 2020

         Hoạt động đầu tư chính của doanh nghiệp hàng không không diễn ra thường xuyên như các ngành nghề khác. Do đặc thù của ngành, giá trị của các khoản đầu tư thường lớn và không cần thiết cho việc mở rộng thường xuyên vì phạm vi hoạt động đã được xác định trong một giới hạn khá cụ thể. Thêm vào đó, diễn biến của dịch Covid-19 là yếu tố chính khiến doanh nghiệp quan ngại trước việc đầu tư mở rộng khi hoạt động thương mại hàng không “chết đứng” từ đầu năm. Một số doanh nghiệp trong ngành cho phương án an toàn trong khi một số doanh nghiệp xem đây là cơ hội đầu tư đón đầu xu hướng phục hồi trong những năm tới.

         Mặc dù hạn chế nhưng trong năm vẫn có doanh nghiệp thực hiện các khoản đầu tư mới. Điển hình như VJC nhận thêm 2 máy bay thuộc loại A321 của Airbus, đây là đơn hàng từ những năm trước. Tính riêng trong năm 2020 doanh nghiệp không có hợp đồng mua mới máy bay mới trong năm 2020. Về phía HVN, doanh nghiệp lên kế hoạch mua thêm 50 máy bay đầu năm 2020 nhưng vẫn chưa được thông qua. Doanh nghiệp đề ra lý do mua máy bay trong giai đoạn dịch là hành động đoán đầu xu hướng, đồng thời nhận được máy bay sớm hơn và tiết kiệm nhiều chi phí mua máy bay. Vì phần lớn các đơn hàng mua bán máy bay trên thế giới đề bị hủy do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

         Trong năm 2020, chỉ riêng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu: ACV) có hoạt động đầu tư mở rộng. Cụ thể là hoạt động tu sửa nâng cấp đường băng cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài. Trong đó giai đoạn 1 thực hiện nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với tổng giá trị dự án lên đến 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thực hiện nâng cấp sân bay Nội Bài dự kiến thực hiện trong năm 2021 với vốn đầu tư tương đương.

Biểu đồ: Tăng đầu tư của doanh nghiệp trong ngành hàng không

         Song song với những khó khăn chung của ngành là diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán của nhóm cổ phiếu hàng không khi vừa mới hồi phục được trong thời gian ngắn đã liên tiếp "đỏ sàn". Xu hướng chung của cổ phiếu ngành hàng không là giảm giá mạnh trong năm. Giai đoạn đầu năm đến hết quý 1 là thời điểm giá cổ phiếu giảm mạnh nhất do tác động của dịch Covid-19 bùng nổ khắp các châu lục, các nước phải thực hiện cách ly xã hội và cho dừng toàn bộ các hoạt động thương mại, dịch vụ. Cổ phiếu hàng không điêu đứng, có những cổ phiếu giảm hơn 30% so với đầu năm.

         Nhìn chung, 2020 là một năm ảm đạm đối với cổ phiếu ngành hàng không khi chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh khiến cho kết quả kinh doanh toàn ngành sụt giảm và cổ phiếu mất động lực tăng trưởng. Cổ phiếu NCS và AST là cổ phiếu có mức giảm nhiều nhất trong ngành khi giảm khoảng 31% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là khó khăn chung của ngành bởi dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp không thể mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi, đặc biệt sự sụt giảm mạnh doanh thu trong những tháng đầu năm. Một số doanh nghiệp khác như HVN và VJC cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu kém lạc quan khi cũng giá giảm từ 15-17% so với đầu năm sau nhiều nỗ lực phục hồi. Mặc dù giai đoạn kết thúc năm, thị trường chung đã có dấu hiệu phục hồi nhưng các mã cổ phiếu ngành hàng không vẫn chưa thấy được xu hướng tăng trở lại.

Biểu đồ: Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành hàng không năm 2020