Ngành tiêu biểu năm 2018: Lợi nhuận ngành dược sụt giảm do giá nguyên liệu tăng
Ngành dược trong nước thiếu chủ động nguyên nguyên liệu sản xuất, hoạt động kinh doanh phụ thuộc gần như hoàn toàn và nguyên vật liệu nhập khẩu. Biến động giá nguyên liệu nhập khẩu năm 2018 đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí đầu vào tăng, giá bán sản phẩm bị kiểm soát dẫn đến lợi nhuận năm 2018 ngành được sụt giảm.
Tóm lược
- Ngành dược phục thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu, chủ yếu từ thị trường Trung Quốc
- Giá nguyên vật liệu tăng, biên lợi nhuận doanh nghiệp năm 2018 giảm.
Năm 2018, cổ phiếu ngành dược tăng trưởng kém nhất do kết quả kinh doanh kém lạc quan, hầu hết các doanh nghiệp đều không đạt được kế hoạch đề ra, thậm chí một số doanh nghiệp còn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng âm.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dược Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do nguồn cung trong nước kém phát triển. Doanh nghiệp dược dễ bị tác động bởi các biến động giá giá nguyên liệu nhập khẩu và tỷ giá. Khi đó, hơn 90% nguyên liệu sản xuất và bao bì phục vụ sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu. Trong năm 2018, việc giá nguyên liệu tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong nước.
Từ giữa năm 2018, do tác động từ giá API, thành phần hoạt chất dược phẩm nhập khẩu đã tăng đáng kể từ 15% đến 80%, dẫn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp. Đặc biệt, nhu cầu nguyên liệu của ngành phải nhập khẩu tới 90% từ thị trường quốc tế. Trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp API lớn nhất của Việt Nam, chiếm ít nhất 60-70% tổng lượng nhập khẩu các loại dược liệu cần thiết cho quá trình sản xuất sản phẩm dược trong nước.
Có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp OTC và ETC. Các doanh nghiệp có thế mạnh ở OTC là DHG và TRA, đều cho thấy sự sụt mạnh về kết quả kinh doanh do: Thứ nhất là thị trường OTC cạnh tranh hơn, thứ hai là sản phẩm bước vào chu kỳ bão hòa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có thế mạnh ở ETC là PME, DBD và IMP vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, nhờ sản lượng đấu thầu tăng do thay đổi cơ chế và tăng tỷ lệ có bảo hiểm y tế trong toàn dân.
Biểu đồ: Nhập khẩu dược phẩm giai đoạn 2012-2018
Năm 2018, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược hầu hết đều không tăng hoặc tăng ít, trong khi đó lợi nhuận lại giảm sâu. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá thuốc được kiểm soát nên việc doanh nghiệp dược chuyển chi phí sang người tiêu dùng gần như là không thể, từ đó đã tác động lớn đến lợi nhuận. Do đó, biên lợi nhuận gộp của nhóm theo đó sụt giảm đáng kể, khi tỷ trọng nguyên vật liệu chiếm đến 80-90% doanh thu.
Doanh nghiệp dược phẩm hiếm hoi vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng trong kỳ là Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Mã cổ phiếu: IMP), khi doanh thu thực hiện trong năm 2018 là 1.184 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch đặt ra. Doanh thu không đạt kế hoạch là do độ trễ và rủi ro từ việc sửa đổi Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc trong bệnh viện, trong khi thị trường nhà thuốc cạnh tranh cao và bão hòa do ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.
Một số doanh nghiệp khác chỉ duy trì mức tăng trưởng rất thấp như Công ty Cổ phần Pymepharco (Mã cổ phiếu: PME) và Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Mã cổ phiếu: DBD), doanh thu chỉ tăng từ 1-3%, trong khi đó lợi nhuận lại giảm do giá vốn tăng cao.
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành thậm chí có doanh thu giảm như Công ty Cổ phần Traphaco (Mã cổ phiếu: TRA) và Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Mã cổ phiếu: DHG). Cả năm, DHG đạt doanh thu 3.882 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2017. Nguyên nhân do doanh nghiệp ngừng kinh doanh mặt hàng MSD từ tháng 4/2018 và Eugica từ tháng 6/2018 để hỗ trợ việc thực hiện nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Biểu đồ: Tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp ngành dược năm 2018
Ngành dược không gia tăng đầu tư trước tình hình kinh doanh khó khăn năm 2018. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp gia tăng không đến từ kế hoạch tăng trưởng doanh thu, thay vào đó chủ yếu đến từ hoạt động tích trữ nguyên liệu trước xu hướng tăng mạnh của giá nguyên liệu trong năm. Một số doanh nghiệp thực hiện gia tăng mạnh lượng hàng tồn kho là DHG và DBD.
Phần lớn doanh nghiệp ngành dược không có diễn ra những hoạt động đầu tư mở rộng ngoài IMP. Trong năm, doanh nghiệp đầu tư vào Nhà máy sản xuất dược công nghệ cao tại Khu công nghiệp VSIP 2 Bình Dương với giá trị khoản đầu tư hơn 355 tỷ đồng. Trong đó, 205 tỷ đồng đầu tư máy móc và thiết bị, phần còn lại đầu tư vào xây dựng nhà máy và văn phòng nhà máy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã bổ sung 50 tỷ đồng vào nguồn vốn kinh doanh. Đối với dự án Nhà máy Kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc, nhà máy được đưa vào hoạt động trong năm 2019.
Năm 2018, đánh dấu mức sụt giảm mạnh trong hoạt động đầu tư mở rộng và vốn huy động của các doanh nghiệp ngành dược. Cụ thể, vốn huy động đã giảm hơn 450 tỷ đồng và đầu tư mới cũng giảm gần 500 tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước. Việc giảm đầu tư mới đã thể hiện sự nghi ngờ về khả năng tăng trưởng của ngành dược, của các nhà quản trị doanh nghiệp.
Biểu đồ: Hoạt động tăng đầu tư của ngành dược năm 2018
Ngoại trừ IMP thì phần lớn các doanh nghiệp dược đều có mức giảm từ 10-40%. Thông thường, khi thị trường giảm mạnh thì với tính chất là ngành phòng thủ nên ngành dược thường duy trì mức tăng trưởng ổn định. Việc nguồn nguyên liệu ngành dược phụ thuộc vào nhập khẩu và giá nguyên liệu API tăng mạnh trên thị trường quốc tế tăng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược trong nước, qua đó khiến phần lớn giá cổ phiếu dược phẩm đều giảm mạnh trong năm.
Mức giảm của các cổ phiếu trong năm, sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng đóng góp nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu của mỗi doanh nghiệp. Mức độ phụ thuộc càng cao thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ càng bị ảnh hưởng, trung bình dao động từ 3-5%. TRA có kết quả đầu tư tệ nhất với mức giảm gần 40% khi doanh thu chỉ giảm 4% nhưng lợi nhuận lại giảm tới 33%. Cổ phiếu đầu ngành DHG cũng có mức giảm hơn 30% khi kết quả kinh doanh không cho thấy những dấu hiệu tích cực.
Việc giá cổ phiếu IMP tăng là do doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, do đó trong bối cảnh các doanh nghiệp dược khác sụt giảm lợi nhuận thì lợi nhuận của doanh nghiệp lại tăng 18%. Hơn nữa, việc IMP gia tăng hoạt động đầu tư nhà máy Kháng sinh Công nghệ cao Vĩnh Lộc và Công nghệ cao Bình Dương đã giúp gia tăng yếu tố kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng của cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu dược phẩm có thể được chia thành hai giai đoạn rõ rệt trong năm. Từ đầu năm đến kết thúc quý 3, giá cổ phiếu giảm mạnh do xu hướng đã phân tích ở trên. Trong giai đoạn cuối năm, giá cổ phiếu bắt đầu phục hồi trước những thông tin doanh nghiệp trong ngành quyết định nới “room” ngoại. Đến cuối năm thì phần lớn các cổ phiếu ngành dược đều đang giao dịch ở mức giá P/E khoảng 12-15 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của nhóm ngành này.
Biểu đồ: Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành dược năm 2018