Năm 2020: Xu hướng thay đổi chiến lược của các quỹ đầu tư năm 2019
Năm 2019 thực sự là một năm khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi mặc dù chỉ số VN-Index vẫn tăng hơn 10% tuy nhiên không nhiều nhà đầu tư có thể đạt được mức sinh lời kỳ vọng, thậm chí là các nhà đầu tư tổ chức với nhiều chuyên môn và kinh nghiệm trên thị trường. Năm 2019 cũng chứng kiến sự thay đổi rất đáng kể về mặt chiến lược của các quỹ đầu tư, điều mà các nhà đầu tư cá nhân có thể lưu ý để có thể đưa ra định hướng đầu tư cho danh mục cho năm 2020 tới.
Tóm lược:
- Hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam kể cả quỹ nội và quỹ ngoại đều có sự sụt giảm giá trị tài sản ròng
- Suất sinh lời của các quỹ trong năm thấp hơn so với chỉ số VN-Index trong năm 2019
- Các quỹ đầu tư tăng tỷ trọng các ngành về tài chính, tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin trong danh mục, đồng thời giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp và nguyên vật liệu
Sau giai đoạn đầy biến động của năm 2018 với sự bùng nỗ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 tiếp tục thể hiện sự ảm đạm khi thị trường chỉ dao động trong biên độ hẹp từ 900-1000 điểm.
Nếu nhà đầu tư có một cái nhìn toàn cảnh các thị trường thì sẽ thấy rằng rõ ràng chứng khoán năm 2019 không có nhiều động lực tăng trưởng không chỉ về mặt cơ bản của nền kinh tế mà còn cả về động lực của các chủ thể tham gia thị trường.
Xu hướng bị rút vốn của các quỹ đầu tư nội địa
Với những bất ổn vẫn còn trước mặt, phần lớn các nhà đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư khác có lợi suất đầu tư cao và ổn định hơn như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và đặc biệt là vàng. Điều đó khiến cho hàng loạt các quỹ cổ phiếu tiếp tục bị rút ròng mạnh kể trong năm 2019.
Đối với các quỹ mở trong nước thì ngoại trừ SSI-SCA và MAFEQI là hai quỹ mở có giá trị tài sản ròng tăng nhẹ, các quỹ mở còn lại đều cho thấy xu hướng giảm mạnh tài sản ròng dù phần lớn các quỹ đều đạt kết quả đầu tư tăng trưởng trong năm. Mặc dù kết quả đầu tư năm nay khả quan hơn so với năm 2018, các quỹ đầu tư vẫn bị rút ròng mạnh, điều này không phải đến từ hoạt động đầu tư kém hiệu quả mà là tâm lý lo ngại của nhà đầu tư với các diễn biến vẫn chưa được ổn định có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một điều khá thú vị là các quỹ ngoại lại vẫn duy trì được dòng vốn trong khi đó quỹ Vietnam VanEck ETF lại tăng mạnh dòng vốn. Qũy VanEck ETF được niêm yết ở Mỹ do đó thể hiện sự kỳ vọng của các nhà đầu tư ở Mỹ về triển vọng được hưởng lợi của thị trường Việt Nam từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phần lớn các quỹ đều tăng trưởng thấp hơn VN-Index
Kể từ đầu năm 2019, hầu hết các quỹ đã có kết quả đầu tư phục hồi trở lại và tốt hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, so với kết quả đầu tư của chỉ số VN-Index thì phần lớn các quỹ đều có kết quả tăng trưởng thấp hơn đáng kể khi có đến 8/10 quỹ được thống kê có mức sinh lời thấp hơn. Hai quỹ đầu tư có kết quả nhỉnh hơn một chút so với VN-Index đó là hai quỹ đầu tư VFMVF1 và VFMVF4.
Do các quỹ đầu tư thường sẽ đều lựa chọn chỉ số VN-Index hoặc VN30 index làm các chỉ số so sánh đánh giá hiệu quả nên danh mục của các quỹ cũng đều bám vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn ngoài thị trường như VIC, VCB, VNM, MWG hay HPG… để có thể bám vào mức tăng trưởng chung của chỉ số. Tuy nhiên, với kết quả đầu tư kém của năm 2018, các quỹ đầu tư đã có những chiến lược thay đổi đáng kể. Dựa trên phân tích của chúng tôi, mức tăng trưởng của thị trường năm 2018 không đi lan tỏa toàn thị trường mà cũng không đi theo nhóm ngành mà chủ yếu chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu Vingroup và một vài cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB, BID hay do đó các quỹ nào có chiến lược đầu tư dựa trên động lực tăng trưởng riêng lẻ của các cổ phiếu thay vì tập trung vào nhóm ngành đã đạt được kết quả đầu tư tốt trong năm 2019. Xu hướng này không phù hợp với chiến lược đầu tư theo nhóm ngành của các quỹ và đó cũng là lý do chính khiến các quỹ có mức tăng trưởng thấp trong năm.
Một trong những lý do nữa khiến cho các danh mục có mức tăng trưởng thấp hơn VN-Index đó là do tỷ trọng của nhóm cổ phiếu Vingroup trong danh mục các quỹ thấp hơn rất nhiều so với trong chỉ số VN-Index. Khi nhóm cổ phiếu Vingroup tăng mạnh trong năm 2019 thì những quỹ đầu tư này đã không đạt được kết quả tương ứng như VN-Index.
Xu hướng thay đổi danh mục trong năm 2020
Hầu hết các quỹ đều có chiến lược đầu tư gần như giống nhau. Ba ngành được các quỹ quan tâm nhiều nhất hiện nay là tài chính, tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin. Trong khi đó, gần như tất cả các quỹ đều giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp và nguyên vật liệu.
Nhóm ngân hàng có diễn biến tăng giảm vốn khác nhau, MBB được gần như tất cả các quỹ cổ phiếu mua vào và VCB tăng tỷ trọng đáng kể trong danh mục quỹ VFMVF1, VFMVF4 và VEOF nhờ kết quả đầu tư tốt. Trong khi đó, TCB và ACB là hai mã cổ phiếu nhóm ngân hàng bị giảm tỷ trọng nhiều nhất, rất nhiều quỹ bán hoặc giảm tỷ trọng của ACB (VFMVF1, VFMVF4, SSI-COAD, VCBF-BCF, VCAMBF, ENF), hai quỹ cổ phiếu của VFM cũng giảm tỷ trọng TCB trong danh mục.
Trong nhóm các cổ phiếu công nghệ thì với những tiềm năng hưởng lợi từ các hợp đồng gia công phần mềm do các quốc gia bắt đầu dịch chuyển các hợp đồng từ phía Trung Quốc sang Việt Nam thì cổ phiếu FPT là một trong những cổ phiếu được hầu hết các quỹ đánh giá cao và tăng tỷ trọng trong danh mục.
Với tình hình hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt của nhóm Vingroup từ đầu năm 2019 đến nay, VFMVF1, VFMVF4, SSI-SCA là những quỹ đã gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu này nhận được mức sinh lời tốt hơn hẳn. Trong khi đó MWG tiếp tục là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ và nhờ kết quả đầu tư tốt cũng như là một cổ phiếu hấp dẫn mà các quỹ liên tục mua vào.
Trong khi đó những cổ phiếu như POW và HPG đang bị các quỹ giảm tỷ trọng do triển vọng tăng trưởng không rõ ràng.
Xu hướng chiến lược đầu tư của các quỹ trong năm 2020
Dựa trên những theo dõi về danh mục đầu tư của các quỹ trong giai đoạn nửa cuối năm 2019, xu hướng chung các quỹ tiếp tục mua ròng cổ phiếu nhóm ngân hàng với MBB và VCB, nhóm bất động sản là VRE, SZC. Những cổ phiếu bị giảm tỷ trọng tiếp tục là ACB, TCB và POW. Hai quỹ cổ phiếu đầu tư tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại là VFMVF1 và VFMVF4 thời gian gần đây mua mạnh cổ phiếu KSB, KBC và SZC. VCBF-TBF mua thêm cổ phiếu MBB, SSI-COAD mua ròng nhiều cổ phiếu trong danh mục, trong đó mua mạnh cổ phiếu MWG. GEG là một nhân tố mới hiện tại đang được quỹ VCAMBF đầu tư vào.
Chiến lược đầu tư của các quỹ cổ phiếu nửa cuối năm 2019
Những thay đổi trong danh mục cổ phiếu của các quỹ trong thời điểm cuối năm 2019 này là để xây dựng chiến lược đầu tư cho năm 2020, như vậy các nhà đầu tư cá nhân có thể theo dõi các cổ phiếu cơ bản tốt trong năm 2019: MBB, VCB, MWG và những nhân tố mới xuất hiện nhưng được đầu tư mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2019 là KSB, KBC, SZC. Đây là những cổ phiếu được các quỹ đầu tư đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2020.
Trong dài hạn, các quỹ đầu tư luôn cho mức sinh lời tốt và ổn định hơn nhiều so với các nhà đầu tư cá nhân do đó trong giai đoạn khó khăn hiện tại thì những tham khảo về những động thái thay đổi của những “chú voi to” trên thị trường sẽ có thể gợi ý rất nhiều cho nhà đầu tư trong việc xây dựng chiến lược đầu tư trong năm tới.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tháng 12/2019