Năm 2020: Động lực cho thị trường từ xu hướng thay đổi chỉ số P/E

        Sau quãng thời gian hưng phấn với sự dẫn dắt của dòng cổ phiếu Vingroup và dòng cổ phiếu Ngân hàng giúp cho VN-Index vượt 1000 điểm, thị trường đã bắt đầu điều chỉnh trong những ngày vừa qua để quay lại áp sát mốc 1000 điểm. Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này là tại sao dù điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại đang khá thuận lợi nhưng thị trường chứng khoán lại không thể tạo được động lực tăng trưởng bền vững trong năm 2019.

        Đây là những câu hỏi về mặt bản chất nền kinh tế và thị trường tài chính mà nhà đầu tư cần phải nắm trước để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư cho năm 2020 sắp tới.

Tóm lược:

  • Việt Nam không thực sự hưởng lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
  • Chỉ số P/E nhóm cổ phiếu có dòng tiền ổn định gia tăng đáng kể trong năm 2019
  • Kết quả đầu tư của nhóm cổ phiếu có dòng tiền ổn định tốt hơn cả so với thị trường chung trong giai đoạn năm 2019.

Nghịch lý nền kinh tế và thị trường chứng khoán

       Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, dòng vốn FDI vẫn liên tục chảy vào trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi sản xuất do chiến tranh thương mại. Những con số vĩ mô thuận lợi đó tưởng chừng sẽ đem đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong năm 2019. Tuy nhiên, mọi thứ lại không như thị trường kỳ vọng.

       Các doanh nghiệp thủy sản và dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong xu hướng chiến tranh thương mại tuy nhiên kết quả tăng trưởng thấp hơn thị trường của nhóm cổ phiếu này lại cho một bức tranh hoàn toàn tương phản.

       Đây là một ví dụ điển hình cho thấy rằng, thực tế những diễn biến của nền kinh tế khó lường hơn chúng ta tưởng tượng. Chiến tranh thương mại đem đến cơ hội và rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu nhìn nhận một cách toàn diện và đa chiều hơn, chúng ta sẽ nhận ra một bức tranh kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác.

       Trái ngược với những con số tăng trưởng từ hoạt động kinh tế thực, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng rất tiêu cực. Các doanh nghiệp niêm yết hiện tại thậm chí đã giảm vốn huy động trong số liệu được công bố từ báo cáo tài chính quý 3 vừa qua. Việc huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thể hiện cho những kỳ vọng của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế trong thời gian sắp tới. Hoạt động huy động vốn sụt giảm thể hiện sự bi quan của doanh nghiệp về triển vọng tăng trưởng sắp tới.

       Chúng ta đã được nghe nhiều về việc Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và xu hướng dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn nhất, cụ thể là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, lại không cho thấy sự tự tin trong hoạt động đầu tư để nắm bắt cơ hội.

       Nếu nhìn ở một lăng kính về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong quý 3 đang giảm thấp nhất trong nhiều quý vừa qua.

Biểu đồ: Dòng tiền hoạt động kinh doanh cac doanh nghiệp niêm yết (Đơn vị: Tỷ đồng)

Đánh giá thị trường thông qua phân tích chỉ số P/E

       Chính những yếu tố bất ổn trên đã khiến cho động lực tăng trưởng của thị trường không bền vững trong suốt một năm qua. Những yếu tố rủi ro có ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, đó cũng là yếu tố cơ bản khiến nhà đầu tư không sẵn sàn trả một mức giá cao hơn cho các cổ phiếu niêm yết. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, hệ số P/E của các thị trường sau khi giảm mạnh khi chiến tranh thương mại nổ ra vào đầu năm 2018 đã kéo dài xu hướng đi ngang trong thời gian vừa qua, cho thấy nhà đầu tư đang đòi hỏi một tỷ suất sinh lời cao hơn từ kênh cổ phiếu nhằm bù đắp cho những rủi ro của thị trường trong thời gian này.

Biểu đồ: Xu hướng thay đổi chỉ số P/E ở các thị trường

       Mặc dù chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đi ngang trong năm 2019, chúng tôi nhận thấy một điểm khá thú vị. Chúng tôi chia thị trường ra thành hai nhóm đó là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn cùng với dòng tiền ổn định và phần còn lại. Đã có một sự phân hóa rõ rệt giữa hai nhóm trong năm 2019 khi các cổ phiếu lớn có dòng tiền ổn định có sự gia tăng đáng kể trong chỉ số P/E trong khi nhóm các cổ phiếu còn lại có sự sụt giảm chỉ số P/E rất mạnh.

Biểu đồ: Chỉ số P/E theo nhóm cổ phiếu

       Những con số thống kê từ xu hướng chuyển dịch của thị trường sẽ có thể gợi ý cho chúng ta về những chiến lược tiếp cận thị trường trong thời gian tới.

Lựa chọn danh mục đầu tư trong bối cảnh bất ổn

       Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng tuyên bố rằng ông rất thích những công ty không cần tiền cũng có thể tạo ra tiền, hay nói cách khác là những công ty có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định mà không cần phải đầu tư quá nhiều vốn. Trong bối cảnh hiện tại khi các công ty dè dặt hơn trong hoạt động mở rộng, đây có thể là một chiến lược đầu tư hợp lý.

       Để đánh giá hiệu quả của chiến lược đầu tư thì chúng tôi đã thiết lập một danh mục bao gồm top 5% các cổ phiếu có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) dương và tăng trưởng doanh thu hàng năm trên 10% (không bao gồm các công ty ngành tài chính). Danh mục cổ phiếu này bắt đầu tạo ra lợi nhuận vượt trội so với thị trường chung từ thời điểm chiến tranh thương mại nổ ra với 18.4% so với chỉ 4% của chỉ số VN-Index.

Biểu đồ: So sánh kết quả đầu tư nhóm cổ phiếu dòng tiền ổn định và Vn-Index (từ đầu năm 2018 đến 11/2019)

       Chúng tôi cho rằng xu hướng cải thiện P/E của các dòng cổ phiếu có dòng tiền ổn định sẽ có thể tiếp tục là động lực để chỉ số tăng điểm, hoặc ít nhất là có thể duy trì  ở mốc 1000 điểm. Các cổ phiếu có dòng tiền ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư không những có thể giảm thiểu rủi ro đầu tư trong giai đoạn bất ổn hiện tại mà còn có thể tận dụng những xu hướng quan tâm của thị trường đối với những cổ phiếu có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt. Thị trường sẽ có thể tăng điểm 10% trong năm tới khi các cổ phiếu có dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt sẽ được trả ở mức hệ số P/E cao hơn, qua đó góp phần cải thiện xu hướng tăng trưởng trong ngắn hạn của chỉ số.

       Đặc điểm chung của những cổ phiếu trên đó là hoạt động kinh doanh của họ phần lớn đều gắn liền với sức cầu nội địa với các sản phẩm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiếp tục tăng trưởng từ tiêu dùng cá nhân. Việc nhận thức được các xu hướng hiện tại trong cấu trúc nền kinh tế cũng như xu hướng thị trường sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một lợi thế rất lớn trong việc lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng trong thời gian tới.