Năm 2019: Chọn kênh đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Đầu tư vốn dĩ đã khó khăn, đầu tư trong một thị trường biến động và khó dự báo thị lại càng khó khăn hơn cho nhà đầu tư. Đó là những gì đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại. Phân bổ tài sản như thế nào, nên giữ tiền mặt hay cổ phiếu là quyết định quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần đưa ra lúc này.

Tóm lược:

  • Các doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn Châu Á khá thận trọng trong việc tăng vốn trước căng thẳng Mỹ- Trung
  • Chiến tranh thương mại là một cơ hội không thể tốt hơn cho Mỹ và Trung Quốc nhằm củng cố hoạt động của nền kinh tế chính họ
  • Thị trường trái phiếu khu vực Châu Á có sức hấp dẫn hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán các quốc gia trong khu vực thiếu động lực tăng trưởng

       Từ đầu năm 2018, thị trường chứng khoán toàn cầu đang diễn biến hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến và xu hướng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các quốc gia châu Á, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ sự kiện này, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Biểu đồ: Kết quả đầu tư một số thị trường chứng khoán từ đầu năm đến tháng 8/2019

       Bức tranh tổng quan của thị trường chứng khoán cho thấy một điểm thú vị: mặc dù “chiến trường” chính diễn ra ở Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường này vẫn duy trì kết quả đầu tư tốt, đặc biệt là Trung Quốc.

       Ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp niêm yết của các nền kinh tế lớn ở Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đang khá thận trọng trong việc huy động vốn trong các quý vừa qua, xuất phát từ những bất ổn đến từ chiến tranh thương mại. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam: nếu không tính các công ty thuộc Vingroup, dòng vốn mới cho thấy sự suy giảm so với giai đoạn trước. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn khá bi quan với tình hình hiện tại và không có ý định mở rộng hoạt động sản xuất, trái với những nhận định của đại đa số nhà đầu tư là các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi khá nhiều từ chiến tranh thương mại.

Biểu đồ: Vốn huy động thị trường Việt Nam theo thời gian

Xu hướng giằng co sẽ còn tiếp tục

       Những căng thẳng thương mại của hai quốc gia này được nhắc đến rất nhiều từ đầu năm 2018 đến nay, và nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng sự kiện này sẽ đem đến những điểm tích cực cho nền kinh tế của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường chứng khoán lại cho thấy kẻ hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại lại là Mỹ và Trung Quốc.

       Chúng ta có thể thấy những biến động khá tương đồng về dòng vốn trong nền kinh tế của hai cường quốc này. Các công ty Mỹ đã tăng vốn liên tục từ giai đoạn cuối 2018 đến nay. Điều này cho thấy góc nhìn khá lạc quan của giới doanh nhân Mỹ đến nền kinh tế chung, với kỳ vọng vào lời hứa “Make America Great Again” cùa người đứng đầu quốc gia này. Những biện pháp cứng rắn của ông Trump đang cho thấy nước Mỹ khả năng sẽ dành được rất nhiều lợi thế trên bàn đàm phán với Trung Quốc trong các cuộc họp sắp tới. Trong bối cảnh còn nhiều bất ổn nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đạt mức tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm trở lại đây. Điều đó càng khẳng định cho những kỳ vọng của giới doanh nhân Mỹ về triển vọng cho các doanh nghiệp trong nước khi các hàng hóa từ Trung Quốc bị hạn chế nhập khẩu.

Biểu đổ: Chỉ số S&P 500 và vốn huy động mới của Mỹ

       Còn đối với Trung Quốc, dòng vốn của các doanh nghiệp vừa cho thấy sự tăng trưởng trở lại ở 1Q19 và 2Q19, sau khi Chính phủ thông qua một số chính sách kích thích tăng trưởng tín dụng khi nền kinh tế nước này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Nới lỏng tiền tệ là những gì ông Tập Cận Bình không mong muốn tuy nhiên do ông đã dành cả nhiệm kỳ của mình để siết chặt lại hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trước bối cảnh nước Mỹ đang sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi thì ông Tập rõ ràng sẽ sẵn sàng sử dụng lại “con dao” đã dấu trong túi áo này.

Biểu đồ: Chỉ số Shanghai Composite và vốn huy động mới của Trung Quốc

       Những biến động về dòng vốn nói trên lại cho thấy rằng chiến tranh thương mại là một cơ hội không thể tốt hơn cho Mỹ và Trung Quốc nhằm củng cố hoạt động của nền kinh tế chính họ. Hai cường quốc này cũng còn khá nhiều “vũ khí” cho chiến tranh thương mại: nền kinh tế Mỹ đang khởi sắc và Fed có thể ngừng tăng lãi suất, trong khi đó Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sau nhiều năm kiểm soát. Đây là một tín hiệu xấu cho thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và nhà đầu tư Việt Nam nói riêng. Giảm tỷ trọng cổ phiếu trong ngắn hạn và trung hạn là một chiến lược tốt cho nhà đầu tư trong thời gian này.

Thị trường trái phiếu trở nên hấp dẫn

       Trong bối cảnh thị trường chứng khoán các nước đang không có nhiều động lực tăng trưởng thì kênh đầu tư trái phiếu ở các quốc gia Châu Á lại đang thu hút được sự quan tâm rất lớn. Tổng dòng tiền vào thị trường trái phiếu Trung Quốc đạt mức 77 tỷ dollar, gần gấp 3 lần mức tăng năm 2016. Mức lãi suất trái phiếu Trung Quốc đang khá hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang rất bất ổn đối với xu hướng chiến tranh thương mại sắp tới.  

       Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam. Thị trường trái phiếu Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng trong thời gian gần đây, khi càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc huy động vốn vay dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã lên đến hơn 100 nghìn tỷ vào 1Q19, với giá trị trái phiếu mới phát hành tăng 45% so với năm trước.

Biểu đồ: Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

       Với lãi suất ở mức 9 – 10% (cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng trung bình chỉ khoảng 7% cho kỳ hạn 12 tháng), trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư khá hấp dẫn, nhất là khi so sánh với mức giảm giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đến hơn 15% trong năm 2018. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chưa rõ xu hướng tăng trưởng thì kênh đầu tư trái phiếu đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

       Từ sau khi chiến tranh thương mại bắt đầu vào tháng 3/2018, các quỹ cổ phiếu đã cho thấy kết quả đầu tư vượt trội so với thị trường cổ phiếu. Từ lúc diễn ra chiến tranh thương mại từ đầu 2018 thì trong khi VN index giảm 13.55% thì các quỹ đầu tư trái phiếu lại tăng trưởng ổn định, cụ thể quỹ VFMVFB của Vietfund lại đạt mức tăng trưởng 11.03%.

Biểu đồ: Kết quả đầu tư VFMVFB và VN-Index từ lúc bắt đầu thương chiến đến tháng 9/2019

Bảng: Thống kê một số mã trái phiếu đang niêm yết

       Những nghiên cứu cho thấy quyết định phân bổ tài sản, nghĩa là bạn sẽ lựa chọn đầu tư cổ phiếu hay công cụ đầu tư thu nhập cố định như trái phiếu sẽ quyết định 90% kết quả đầu tư của bạn trong năm chứ không phải là các quyết định lựa chọn ngành hay lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Khi mà những bức tranh vĩ mô khu vực còn chưa rõ ràng và có vẻ các bên liên quan đang vẫn còn tiếp tục duy trì trạng thái không rõ ràng đó thì những nền kinh tế hay thị trường chứng khoán như Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều bất lợi. Do đó, quyết định lựa chọn những kênh đầu tư thu nhập cố định trong giai đoạn này và cả trong những tháng cuối năm có thể lại là một quyết định khôn ngoan cho các nhà đầu tư.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tháng 10/2019