Hãy nói về nguồn vốn lớn nhất của Châu Á

      Tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nhưng chúng vốn dĩ có hạn và thực tế phát triển của xã hội loài người lại chứng minh các quốc gia nào sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên thì lại có khả năng trở thành quốc gia nghèo đói hơn là giàu có như các bạn nghĩ. Hãy nghĩ về những quốc gia như Nhật Bản và Singapore. Những quốc gia này hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên để có thể phát triển kinh tế nhưng chúng ta hoàn toàn thấy được những thành tựu kinh tế mà họ đã đạt được. Yếu tố quyết định nhất làm nên thành công của họ chính là nguồn nhân lực.

      Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong việc định vị của một quốc gia trong dài hạn. Nguồn nhân lực bao gồm kiến thức, kỹ năng và khả năng lao động của một cá nhân. Có một mối tương quan giữa GDP bình quân đầu người của một quốc gia và mức độ phát triển của nguồn nhân lực.

      Điều này là bởi vì một khi dân chúng trở nên có học thức hơn và chuyên môn hơn và có được các kỹ năng học tập cao hơn, họ có thể làm việc trong các công ty hoạt động trong các lĩnh vực phức tạp hơn và đóng góp lớn hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

      Nhìn chung, nguồn nhân lực được tập trung đầu tư cải thiện năng lực cùng với mức độ phát triển của nền kinh tế. Ví dụ tại Đài Loan, các nhà hoạch định chính sách đã định hình con đường phát triển nền kinh tế của mình bằng cách định hướng phát triển nguồn nhân lực của quốc gia bằng mọi giá. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, họ đưa phần lớn người dân của mình làm việc trong lĩnh vực sản xuất kỹ năng thấp. Họ xây dựng các khu kinh tế đặc biệt và đầu tư vào đào tạo, nâng cao giá trị lao động của người lao động. Vào những năm cuối thập niên 1980, Đài Loan cho mở rất nhiều trường dạy nghề và khi đó Đài Loan đã tạo ra số lượng kỹ sư trên 10,000 dân, nhiều hơn 70% so với Mỹ, là một cường quốc công nghiệp số một khi đó. Hệ thống giáo dục khi đó không tập trung nhiều vào khoa học cơ bản mà tập trung vào các ngành nghề trực tiếp phục vụ và phát triển nền kinh tế sản xuất mà quốc gia đang theo đuổi. Không có gì ngạc nhiên khi đây là ngành thu hút nhiều lao động Đài Loan nhất ngày nay.

      Nói tóm lại, các quốc gia áp dụng đúng các chính sách kinh tế theo mô hình ACD như Nhật Bản, Hàn Quốc và sau này là Đài Loan và Trung Quốc có hiệu suất lao động cũng như GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn các quốc gia khác. Điều này mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất hàng hóa và phát triển ngành dịch vụ sau này.

      Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề cũng cần được nhìn nhận cụ thể. Mặt trái này hiện diện tại các nước Đông Nam Á, những quốc gia này không chỉ tự do hóa hệ thống ngân hàng của họ quá sớm, mà còn cố gắng "đi tắt đón đầu" từ giai đoạn đầu phát triển nông nghiệp và đi thẳng vào dịch vụ mà không đầu tư đúng mức vào nguồn nhân lực. Kết quả là công nhân của họ thiếu kiến thức hoặc kỹ năng để làm việc với các công nghệ mới. Các ngành công nghiệp của họ ít cạnh tranh và kém hiệu quả hơn.