Đầu tư vào bản thân thông qua giáo dục

Tuần này, chúng ta lại gặp nhau trên chuyên mục câu chuyện cá nhân. Một vấn khá gần gũi tôi sẽ tâm sự với các bạn đó là việc đầu tư cho bản thân thông qua con đường học vấn. Kỳ thực tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề mà chúng ta thường hay gặp phải, sau một khoảng thời gian làm việc, đôi lúc lại muốn quay trở lại trường học hoặc có thể học xong đại học rồi chúng ta lại muốn học tiếp lên cao học thay vì đi làm. Ở bài viết này, tôi không có ý nói rằng việc học là không cần thiết sau khi chúng ta đã đi làm nhưng cái chúng ta cần làm rõ đó là liệu mình có đang đầu tư cho học vấn hay đang chạy theo những tấm bằng cấp ngoài kia.

Tóm lược:

  • Vì sao chúng ta tìm đến việc học sau khi ra trường
  • Hãy thành thật với chính bản thân mình
  • Đâu sẽ là mô hình riêng dành cho bạn

         Tôi nghĩ rằng nhiều bạn có thể nhầm lẫn giữa lời khuyên đầu tư cho bản thân của tôi với lời khuyên hãy chạy theo tìm kiếm các bằng cấp.

         Rất nhiều người nói với tôi rằng họ muốn đầu tư cho việc học để nâng cao trình độ, qua đó có thể giúp họ giải quyết các vấn đề của họ trong dài hạn. Tôi nghĩ có thể một số người đúng trong trường hợp đó tuy nhiên theo cảm nhận của bản thân tôi, thì phần lớn những lựa chọn quay lại trường học chỉ là một cách ngụy biện của họ, chứ không hẳn là những bước đi chuẩn bị sự nghiệp phát triển sắp tới.

         Có hai khả năng dẫn đến điều này xảy ra mà tôi thấy cả hai kết quả này đều không tốt. Thứ nhất là một số người có thể đã bị sa thải trong công việc và thứ hai là những người đang cảm thấy sự nhàm chán trong công việc và thay vì tìm cách để thay đổi tình hình thì họ lại đang nghĩ đến việc trốn tránh đối diện sự thật.

         Khi đó bạn hãy thành thật với bản thân và đừng lấy lý lẽ đang đầu tư cho bản thân để tiếp tục trốn tránh những thực tại chán ghét. Việc đầu tư cho bản thân không phải chỉ giới hạn trong việc cắp cặp đến trường. Đầu tư cho bản thân có nghĩa là bạn nhận thức được sự khiếm khuyết của bản thân để từ đó có thể tìm kiếm các giải pháp nhằm hoàn thiện mình: nó có thể là đến trường, có thể là đến từ việc đọc sách, từ những chia sẻ của những người có kinh nghiệm xung quanh, hay chỉ thậm chí là từ những người làm tốt hơn các bạn trong một khía cạnh công việc nào đó.

         Sau nhiều năm chiêm nghiệm, tôi chợt nhận ra việc tìm những vấn đề mình không biết rằng bản thân mình đang không có kiến thức là một điều kỳ diệu để giúp bạn có thể phát triển bản thân mỗi ngày. Thiên tài khoa học Albert Einstein từng nói: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu ngốc của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên”. Nhận thức được những giới hạn hiểu biết của bản thân sẽ là một bước tiến to lớn của bạn trên con đường hoàn thiện dần nhận thức của bản thân về thế giới xung quanh. Từ đó sẽ là tiền đề để bạn có thể tìm kiếm được các mô hình của riêng bạn về việc đánh giá những gì diễn ra xung quanh.