Đằng sau các hành động phi lý trong mùa dịch
Dịch bệnh diễn biến ngày càng trầm trọng khiến cho nhiều vấn đề bất thường trong xã hội ngày càng phát sinh. Những gì chúng ta chứng kiến trong thời gian gần đây là dòng người lao động xuôi ngược về quê, hàng dài người rồng rắn xếp hàng trước cửa các siêu thị, hay là những phiên họp chợ trước khi TP.HCM tăng cường và siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch. Những hình ảnh trên được cho là phi lý dưới góc nhìn của giới trí thức và đội ngũ phòng chống dịch. Tuy nhiên, tất cả những hành động phi lý đó nếu nhìn dưới động cơ kinh tế lại có thể hợp lý ở một mức độ nhất định.
Tóm lược:
- Thói quen mua sắm của những nhóm lao động có mức thu nhập khác nhau thì sẽ khác nhau, lý giải cho động cơ di chuyển sang các của hàng vật lý để mua hàng
- Nguyên nhân kinh tế đằng sau các hàng động được cho là phi lý của người dân trong đợt dịch bệnh
Đã có rất nhiều bình luận và các chỉ trích cho rằng việc tập trung đông thiếu đảm bảo về giãn cách tại các cửa hàng thực phẩm và siêu thị sẽ phá tan thành quả chống dịch trong vòng 3 tháng nay. Các bình luận cho rằng cần tuân thủ đúng theo chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó”, chính quyền thành phố sẽ có sự hỗ trợ kịp thời tới người dân và cho rằng không có ai chết vì đói mà chỉ chết vì dịch. Những ý kiến này không sai nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại đang có một lượng lớn người dân đang suy nghĩ như vậy. Câu hỏi đặt ra lúc này mà chúng ta cần suy nghĩ đó là những người đã chen đông đến siêu thị những ngày cuối tuần vừa qua là ai và đặc điểm cuộc sống của họ như thế nào.
Thói quen mua sắm của người lao động
Các giải pháp về việc hạn chế mua sắm tại các cửa hàng truyền thống lúc ngày sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ. Nhưng không phải thành phần nào trong xã hội cũng có thể thực hiện được. Trong khảo sát người tiêu dùng của Deloitte năm 2020 tại bốn thành phố lớn nhất Việt Nam là Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM cho 1.000 hộ gia đình. Các hộ gia đình được chia thành 6 nhóm dựa trên các mức thu nhập khác nhau. Các hộ gia đình có thu nhập từ 4-9 triệu là nhóm có mức thu nhập thấp nhất. Kết quả khảo sát cho thấy các hộ gia đình có mức thu nhập càng thấp thì khả năng sử dụng các kênh thương mại điện tử hay trực tuyến càng thấp. Nhóm có thu nhập trung bình hàng tháng từ 4-9 triệu đồng mỗi tháng thì tỷ lệ hộ gia đình không sử dụng các kênh thương mại điện tử hay trực tuyến lên đến 64%, cao hơn đặc biệt so với các nhóm còn lại. Nhóm này có đặc điểm là những người lao động làm những công việc không yêu cầu kỹ năng cao hoặc công việc có tính chất tạm thời. Nhóm lao động này cũng chính là nhóm lao động có tỷ lệ cảm thấy bi quan nhất với những bất ổn của nền kinh tế trước áp lực của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, đa phần các lao động tại TP.HCM là lao động có thu nhập thấp, hơn nữa phần lớn đều ở nhà thuê và phải thường xuyên thay đổi chỗ ở nên những người lao động nghèo chỉ lựa chọn các thiết bị gia dụng như tủ lạnh có quy mô nhỏ để phù hợp với diện tích phòng trọ. Điều này khiến cho khả năng trữ thức ăn của họ cũng thấp hơn rất nhiều so với những gia đình có điều kiện mua sắm các tủ lạnh lớn để trữ các thức ăn từ những ngày trước đó. Cùng với việc thành phố bất ngờ tuyên bố việc hạn chế người dân đi đến các siêu thị thì việc họ phải đến bằng được siêu thị là điều tất yếu.
Khi kinh tế quyết định nhận thức
Đối với những người làm việc trong lĩnh vực văn phòng thì việc có thể làm tại nhà không ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập của họ nhưng đối với những người lao động nghèo thì cuộc sống của họ diễn ra đời thực hơn rất nhiều. Theo Cục Thống kê TP.HCM, thu nhập bình quân đầu người của 3 trong 5 nhóm thu nhập (tức là 60% người dân ở thành phố) đều ở mức thấp hơn 5 triệu đồng/tháng (mặc dù thu nhập trung bình là 6,2 triệu đồng/tháng). Trong vòng 3 tháng giãn cách, người lao động đã tổn thất nhiều thu nhập và phần tiền dự trữ hầu như cạn kiệt, đặc biệt là những người lao động có gia đình còn phải chăm sóc con cái.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của của Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp Ban quan hệ lao động thực hiện 3.000 phiếu khảo sát tại 150 doanh nghiệp thì chỉ có 32,1% người lao động có khoản tiết kiệm là 1,5 triệu đồng mỗi tháng dành cho các mục đích dự phòng và chi tiêu trong tương lai. Thêm vào đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng có 17% người lao động có dư và tích lũy, 43% chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống trong khi gần 40% còn lại phải chi tiêu kham khổ hoặc thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Với khoản chi tiêu hàng tháng ở mức tối thiểu cho mỗi hộ gia đình từ 8-10 triệu thì việc ở nhà chống dịch trong 3 tháng vừa qua đã có thể tiêu sạch số tiền họ có thể tiết kiệm trong suốt cả năm qua.
Cuộc sống của người nghèo luôn vốn đầy rẫy những thách thức khó khăn khi phải “chạy ăn từng bữa”, dịch Covid-19 chỉ làm cho vấn đề trở nên khó khăn thêm. Chính vì môi trường sống khắc nghiệt, người lao động phải rời thành phố để trở về các tỉnh. Họ bị chỉ trích rằng điều này sẽ làm lây lan thêm dịch bệnh, thậm chí là cho người thân tại quê nhà. Nhưng cảm giác không an toàn, không chắc chắn và kiệt quệ về tài chính khiến họ chỉ có một lựa chọn duy nhất, sẽ không một cha mẹ nào muốn đèo một đứa trẻ chỉ mới mấy tháng tuổi vượt hàng trăm thậm chí hàng nghìn cây số trên chiếc xe máy để trở về quê cả. Mấu chốt của vấn đề chống dịch đến thời điểm này đó là những hỗ trợ về tài chính từ chính quyền thành phố đã không thể nhanh chóng đến được tay của những người lao động khó khăn.
Đến thời điểm này, không ai trong xã hội này không ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cho bản thân gia đình mình và cộng đồng. Nếu có đến một lượng lớn người trong xã hội đang suy nghĩ khác đi thì bạn hãy thông cảm, vì cuộc sống diễn ra với họ không giống những gì đang diễn ra với bạn. Người nghèo khác người giàu ở sự lựa chọn và khả năng tiếp cận các phương tiện hiện đại của cuộc sống, từ công nghệ cho đến tài chính. Việc hạn chế trong khả năng tiếp cận đó khiến cho các quyết định của họ đưa ra có vẻ so với hợp lý so với những bộ phận người dân có thu nhập và lựa chọn tốt hơn.
Những nỗi sợ trong tất cả chúng ta đều giống nhau, chỉ có thứ tự ưu tiên của những nỗi sợ là khác nhau mà thôi. Khi nỗi sợ nào lớn chế ngự chúng ta thì chúng ta sẽ hành động theo hướng đó. Để có thể phán xét và chỉ trích thì sẽ rất dễ nhưng để chúng ta có thể hiểu được bản chất của vấn đề để có sự đồng cảm với cộng đồng thì đòi hỏi chúng ta phải có một nhận thức đa chiều hơn về cuộc sống xung quanh cũng như một sự đồng cảm trong những thời khắc hết sức khó khăn này.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 26/08/2021