Công cụ hiệu quả đánh giá chất lượng danh mục cho vay

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy biến động của năm qua, việc đánh giá mức độ rủi ro trong danh mục cho vay của ngân hàng trở nên cực kỳ quan trọng. Các chính sách hỗ trợ hoãn nợ của Chính phủ, mặc dù mang tính chất hỗ trợ để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại làm mờ đi bức tranh thực sự về nợ xấu trong ngành ngân hàng cũng như mức độ rủi ro trong danh mục cho vay giữa các ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho việc dự báo và đánh giá rủi ro của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống.

Ngân hàng, với vai trò là một trung gian tiền tệ, luôn coi hoạt động cho vay là nguồn thu chính. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguồn rủi ro lớn nhất, đặc biệt khi việc tăng tín dụng diễn ra quá nhanh và không hiệu quả. Việc đánh giá và kiểm soát rủi ro tín dụng là điều cần thiết để đảm bảo sự bền vững và an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Từ đó, việc theo dõi các chỉ báo về sức khỏe tài chính, đặc biệt ở các yếu tố liên quan đến mức độ an toàn của các danh mục cho vay là điều không chỉ những nhà điều hành ngân hàng quan tâm mà còn cả với các nhà đầu tư.

Khi đánh giá nhằm mục tiêu dự báo rủi ro danh mục của các ngân hàng nói riêng và của toàn hệ thống nói chung thì chúng ta cần phân biệt giữa nhóm chỉ tiêu có khả năng dự báo (điều chúng ta thực cần) và các chỉ tiêu chỉ mang tính chất xác nhận những gì đã diễn ra. Các chỉ tiêu có tính dự báo có sẽ có ý nghĩa quan trọng khi có thể giúp chúng ta có thêm thông tin để dự báo về những gì diễn ra sắp tới trong sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

Những hạn chế trong mức độ đo lường của các chỉ tiêu hiện tại

Trong năm 2023, tín dụng bức tốc từ mức 7% cuối tháng 9 đến mục tiêu tăng trưởng 14% của năm. Tính tổng 27 NHTM niêm yết, chỉ trong quý 4, mức tín dụng đã tăng tới 17.7% so với cùng kỳ, trong khi mức nợ xấu giảm từ 2.24% trong quý 3 xuống còn 1.93%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu chỉ phản ánh được một phần rủi ro tín dụng của ngân hàng vì chỉ số này không cho thấy rủi ro liên quan đến các khoản nợ mới tăng thêm trong kỳ. Bằng cách thúc đẩy quy mô tín dụng mới nhanh hơn cả tốc độ gia tăng của nợ xấu, các ngân hàng có thể giảm tỷ lệ nợ xấu. Chỉ đến khi đến hạn thanh toán và các khoản nợ xấu phát sinh, rủi ro của tín dụng mới được phản ánh trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng các khoản cho vay từ ngân hàng chỉ dựa trên tỷ lệ nợ xấu là chưa phù hợp và thiếu tính dự báo.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xem xét đến rủi ro trong cơ cấu danh mục cho vay của các ngân hàng. Với chiến lược cho vay khác nhau, các ngân hàng có sự phân hóa lớn về tỷ lệ nợ xấu. VCB có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống (0.93% tại cuối quý 4/2023) nhờ chính sách cho vay thận trọng. Trong khi các ngân hàng cho vay doanh nghiệp như MBBank và Techcombank có tỷ lệ nợ xấu cao hơn. Cùng trong nhóm chiến lược cho vay cá nhân và SMEs, ACB và VPB lại có sự khác biệt rõ ràng trong tỷ lệ nợ xấu. Cuối cùng, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ cũng sẽ có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn nhiều so với các nhóm còn lại.

Một chỉ tiêu nữa cũng rất thường được sử dụng trong việc đánh giá chất lượng danh mục vay của ngân hàng là chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Chỉ tiêu này được đo lường bằng cách lấy giá trị trích lập dự phòng mà ngân hàng đã thực hiện chia cho tổng nợ xấu. Tỷ lệ này càng cao cho thấy chất lượng danh mục cho vay của ngân hàng tốt vì được trích lập dự phòng thận trọng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh, là dấu hiệu của việc giảm trích lập. Sự sụt giảm này thể hiện qua việc các ngân hàng tối ưu hóa chi phí để cải thiện báo cáo lợi nhuận ngắn hạn. Nhìn vào tỷ lệ bao phủ tính chúng ta chỉ có thể thấy được phần nào mức độ thận trọng hoặc ít thận trọng hơn của các ngân hàng cho việc trích lập thay vì những sự thay đổi về chiến lược tài sản của các ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay khi ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế vĩ mô, chúng ta cần các chỉ báo dự báo sớm hơn, có khả năng phản ánh những thay đổi rủi ro tiềm ẩn trong cấu trúc danh mục cho vay và trong các hoạt động ngoại bảng của ngân hàng. Các chỉ báo này giúp các ngân hàng nhận diện và điều chỉnh chiến lược, định hình lại danh mục cho vay để giảm thiểu rủi ro trước khi chúng trở nên quá lớn. Ví dụ, sự chuyển đổi tín dụng từ lĩnh vực có rủi ro cao sang lĩnh vực ưu tiên và sản xuất có thể là một chiến lược hiệu quả.

Mức độ hữu ích của tỷ lệ RWA trên tổng tài sản

Basel II và Thông tư 41/2016/TT-NHNN tại Việt Nam đặt ra các quy định quan trọng trong việc quản lý rủi ro tài chính cho ngân hàng. Quy định này yêu cầu ngân hàng phải đảm bảo một tỷ lệ an toàn vốn ít nhất 8%, trong đó tỷ lệ an toàn vốn sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ giữa nguồn vốn tự có và tổng tài sản có rủi ro. Khi đánh giá mức độ rủi ro danh mục tài sản của ngân hàng thì ngân hàng sẽ không dùng giá trị tổng tài sản mà sẽ dùng tổng tài sản quy đổi rủi ro. Khi đó, đối với từng loại tài sản của ngân hàng và các nghiệp vụ ngoại bảng, quy định đưa ra mức hệ số rủi ro tương ứng. Do các ngân hàng khác nhau sẽ có các danh mục cho vay có mức độ rủi ro khác nhau, một khoản vay mua nhà sẽ có mức độ rủi ro rất khác những khoản vay kinh doanh bất động sản. Thông qua quy mô tổng tài sản sau khi điều chỉnh, các rủi ro nội tại trong hoạt động của ngân hàng được phản ánh rõ nét . Căn cứ vào hệ số RWA/Tổng tài sản các nhà quản lý có thể so sánh trực tiếp giữa các ngân hàng dựa trên cơ sở quy đổi rủi ro danh mục về một hệ tham chiếu, từ đó thuận lợi hơn cho việc tham chiếu và quản trị.

Dựa trên bảng 1 về hệ số RWA của các ngân hàng năm 2022, VCB có tỷ lệ RWA/ tổng tài sản thấp nhờ chiến lược cho vay thận trọng và khả năng lựa chọn được tệp khách hàng tốt của ngân hàng. Ngân hàng ACB có tỷ lệ RWA/ tổng tài sản thấp nhờ phát triển tệp khách hàng cá nhân và SMEs có chọn lọc, bên cạnh đó, các nghiệp vụ ngoại bảng của ngân hàng ACB tương đối thấp so với quy mô tổng tài sản của ngân hàng, bằng khoảng 25% tổng tài sản. Trong khi đó, các ngân hàng MBB, TCB và VPB phát triển mạnh các nghiệp vụ ngoại bảng, cũng như với tệp khách hàng kinh doanh và tiêu dùng bất động sản, các ngân hàng này có tỷ lệ RWA/ tổng tài sản đứng đầu.

Hệ số RWA/ tổng tài sản còn phản ánh sự chuyển dịch trong chiến lược hoạt động của các ngân hàng. Trong giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ RWA trên tổng tài sản của Techcombank tăng qua các năm và đạt đỉnh tại mức 93.18% năm 2021. Giai đoạn năm 2022, TCB dịch chuyển danh mục tín dụng từ nhóm doanh nghiệp lớn sang nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME với tăng trưởng danh mục tín dụng bán lẻ lên đến hơn 40%. Chiến lược đẩy mạnh cho vay bán lẻ có chọn lọc giúp TCB đa dạng hóa rủi ro tốt hơn, tỷ lệ RWA bắt đầu giảm nhẹ xuống 91.47%. Đến năm 2023, hoạt động tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong 3 tháng đầu năm. Nhu cầu vốn vay chủ yếu đến từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn duy trì hoạt động. Rõ ràng trong 9 tháng đầu năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản trong hệ thống tăng trưởng gần 22%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung (gần 7%). Tỷ lệ RWA trên tổng tài sản bán niên của TCB gia tăng, tài sản tính theo rủi ro tín dụng của lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng hơn 20% so với thời điểm cuối năm 2022. Việc theo dõi sự thay đổi trong tỷ lệ RWA/Tài sản nói trên giúp chúng ta đánh giá một cách cụ thể hơn về các bước đi chiến lược tài sản của ngân hàng, từ đó phản ánh rủi ro danh mục cho vay khách hàng một cách cụ thể hơn.

Những động thái gần đây của nền kinh tế trong nước và toàn cầu cũng như việc cạnh tranh tăng trưởng tín dụng sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải có sự chuẩn bị trước về các chiến lược hoạt động và lên kế hoạch quản trị rủi ro. Công cụ RWA sẽ tiếp tục là chỉ báo đáng tin cậy để các ngân hàng quyết định mức chấp nhận rủi ro và cân nhắc lại danh mục hiệu quả trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là trong bối cảnh các chỉ tiêu đánh giá truyền thống đang gặp nhiều khó khăn bởi các chính sách trích lập dự phòng chủ quan và duy ý chí hiện tại.

Share: