Cổ phiếu tiêu biểu năm 2019: Ngành xây dựng kém tăng trưởng khiến cổ phiếu CTD “lao dốc”

Năm 2019 là một năm khó khăn liên tiếp đối với ngành xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hàng loạt những vấn đề chậm trễ trong các dự án cũng như khó khăn đến từ thị trường bất động sản đã khiến ngành xây dựng sụt giảm tăng trưởng về mọi mặt. Cổ phiếu của ngành nói chung và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng cũng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong đó, phải kể đến cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons là một trong những cổ phiếu đầu ngành tiêu biểu cho sự sụt giảm này trong năm.

Tóm lược:

  • Khó khăn chung của ngành khiến kết quả kinh doanh của CTD trong năm sụt giảm mạnh
  • Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng không được triển khai nhiều trong năm khi có ít các dự án được triển khai và còn chậm trễ
  • Kết quả kinh doanh không thuận lợi cùng sự sụt giảm chung của ngành khiến cổ phiếu CTD lao dốc mạnh

        Nổi tiếng là một đơn vị thực hiện hàng loạt dự án lớn trải dài trên khắp cả nước. Dự án lớn nhất Coteccons xây dựng là công trình cao nhất Đông Nam Á - tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM và Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng, đều thuộc Tập đoàn Vingroup. Doanh nghiệp nổi tiếng với mô hình kinh doanh hiệu quả và quản trị vốn tốt, từng giúp doanh nghiệp là một trong những doanh nghiệp xây dựng hiệu quả nhất Việt Nam.

        Năm 2019, cùng với sự sụt giảm chung của ngành và các doanh nghiệp trong ngành khi gặp phải những khó khăn liên tiếp đã khiến lũy kế cả năm, doanh nghiệp chỉ đạt doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 23.733 tỷ đồng và 711 tỷ đồng giảm 17% và 53% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đã cải thiện trong hai quý cuối năm. Tuy nhiên, nhìn chung mức biên lợi nhuận vẫn trong vùng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Biểu đồ: Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của CTD giai đoạn 2016-2019

        Nguyên nhân làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của CTD trong năm 2019 do những khó khăn chung của ngành xây dựng, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu, do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp, các dự án bất động sản đã ký nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm, qua đó làm gia tăng chi phí cố định của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định.

        Trong năm 2019, doanh nghiệp có rất ít dự án mới được triển khai, nhiều công trình đang thi công bị tạm ngưng hoặc kéo dài tiến độ, như dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quốc, Trụ sở tập đoàn viễn thông quân đội Viettel... khiến hàng tồn kho gia tăng. Nếu nhìn biểu đồ tăng vốn đầu tư cho khoảng thời gian dài hơn thì hoạt động đầu tư của CTD cũng đã sụt giảm mạnh trong suốt thời gian từ đầu năm 2018 đến nay.

Biểu đồ: Hoạt động đầu tư của CTD giai đoạn 2016-2019

        Từng là một trong những ngôi sao sáng nhất trên sàn chứng khoán, bởi hiệu quả hoạt động vượt trội so với các doanh nghiệp xây dựng cùng ngành. Tuy nhiên, với những khó khăn chung của ngành và những mâu thuẫn nội bộ về vấn đề quản trị doanh nghiệp đã khiến cho giá cổ phiếu tiếp tục xu hướng giảm mạnh trong năm 2019. Kết quả đến cuối năm 2019, giá cổ phiếu của CTD đã giảm gần 70% so với đầu năm. Giai đoạn 4 tháng đầu năm, giá cổ phiếu của CTD chỉ giảm chưa tới 10% trong khi tình hình kinh doanh thời điểm này gặp nhiều khó khăn. Kết quả kinh doanh quý 1 sụt giảm mạnh, cộng với việc cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp là Kustocem tiếp tục phản đối về việc sáp nhập với Ricons, trong buổi họp đại hội đồng cổ đông khiến diễn biến giá cổ phiếu ngày càng xấu đi.

        Ngay sau khi thông tin trên được công bố thì giá cổ phiếu đã giảm sàn trong nhiều phiên. Mãi đến đầu quý 3, giá cổ phiếu mới có dấu hiệu phục hồi khi lực cầu bắt đáy xuất hiện với những kỳ vọng, những mâu thuẫn nội bộ sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, đến giai đoạn tháng 8 giá cổ phiếu tiếp tục xu hướng giảm mạnh đến cuối năm, khi ban quản lý doanh nghiệp và Kustocem vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề sáp nhập Ricons. Thêm vào đó, việc báo cáo kết qủa quả kinh doanh các quý tiếp theo tiếp tục sụt giảm so với năm trước, đã tạo duy trì làn sóng bán tháo cổ phiếu.

Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu CTD và VN-Index

        Trong dài hạn, cổ phiếu CTD nói riêng và ngành xây dựng nói chung rất cần các yếu tố động lực tăng trưởng. Các vấn đề liên quan thị trường bất động sản như vấn đề thủ tục pháp lý, tiến độ thi công hay chính sách tín dụng…. ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của ngành. Triển vọng trong giai đoạn tới khi những vấn đề này được giải quyết tốt hơn, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.