Cổ phiếu tiêu biểu năm 2017: Ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào khiến cổ phiếu BMP sụt giảm
Năm 2017 là một năm tăng trưởng phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp. Trong khi nhóm ngành xây dựng có xu hướng tăng trưởng thì nhóm ngành vật liệu, tiêu biểu như công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã cổ phiếu: BMP) lại có xu hướng sụt giảm tăng trưởng do sự phụ thuộc lớn vào biến động giá của các nguyên liệu nhập khẩu. Đây vẫn luôn là một bài toán khó khăn mà các doanh nghiệp như BMP phải đối mặt.
Tóm lược:
- Kết quả kinh doanh của BMP vẫn duy trì tăng trưởng nhẹ, tuy nhiên việc chi phí nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
- Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh gây áp lực về mặt chi phí đối với BMP
- Các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được tăng cường trong năm nhằm gia tăng năng lực sản xuất
- Đứng trước những khó khăn chung của ngành, cổ phiếu BMP mất giá gần 20% trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường đều tăng trưởng tốt
Với hoạt động cốt lõi chuyên về các sản phẩm ống nhựa và phụ tùng ống nhựa, nhằm phục vụ cho ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng. Doanh nghiệp hiện sở hữu và vận hành 04 nhà máy sản xuất tại TP. HCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với tổng công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. Doanh nghiệp chiếm lĩnh khoảng 28% thị trường ống nhựa trong cả nước và ngày càng mở rộng để khẳng định vị thế của mình với các doanh nghiệp trong ngành. Nhưng cũng chính lĩnh vực ngành. Tuy nhiên, Đặc thù phân khúc hoạt động của doanh nghiệp cũng là một trong những mảng gặp nhiều khó khăn nhất năm 2017, do sự phụ thuộc vào giá của các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.
Biểu đồ: Cơ cấu và sản lượng tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp
Doanh thu trong năm của BMP vẫn duy trì tăng trưởng nhẹ, tuy nhiên việc chi phí nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Doanh thu trong năm đạt 3.824 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2016, trong khi biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 38,8% tại 2016 xuống còn 28,5% vào 2017. Nguyên nhân suy giảm do: Thứ nhất là giá hạt nhựa tăng 8,5% so với giá bình quân 2016, thứ hai là mức chiết khấu đại lý cũng tăng thêm 4%. Nhìn tổng thể thì biên lợi nhuận gộp của BMP đã giảm liên tục qua các quý từ đầu năm 2016 đến nay.
Biểu đồ: Doanh thu và biên lợi nhuận của BMP giai đoạn 2014-2017
Năm 2017 đã trở thành một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với năm 2016, theo diễn biến hồi phục của giá dầu than trên thế giới. Đây là nguyên nhân chính tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, khi trong cơ cấu chi phí thì chi phí cho hạt nhựa PVC chiếm từ 70-80% giá vốn.
Biểu đồ: Diễn biến giá hạt nhựa PVC và giá dầu giai đoạn 2016-2017
Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu không những bị tác động bởi giá nguyên liệu tăng, mà còn gây rủi ro tiềm ẩn bởi chính sách thuế và sự biến động tỷ giá. Doanh nghiệp bị tác động bởi chính sách thuế, khi thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa tăng từ 1% lên 3% vào ngày 01/01/2017, nhằm khuyến khích sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho hoạt động sản xuất. Điều này, càng khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cũng như BMP giảm sâu hơn.
Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và BMP nói riêng đã bị tác động tiêu cực, do sự cạnh tranh khốc liệt nội bộ ngành. Mặc dù, BMP đang chiếm thị phần đầu ngành, nhưng vẫn không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh, ví dụ như Tân Á Đại Thành hay Hoa Sen đang tích cực mở rộng năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và xâm chiếm thị phần cùng với chính sách chiết khấu, khuyến mại cao cho các đại lý. Vì vậy, BMP phải áp dụng chiến lược không tăng giá bán dù giá nguyên liệu tăng, thậm chí còn tăng thêm 4% chiết khấu cho các đại lý trong nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm sút nhiều hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong năm, hoạt động đầu tư vốn của BMP được tiếp tục duy trì để tăng cường năng lực sản xuất. Doanh nghiệp đã đầu tư vào khoản mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản trị giá trên 600 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh không thuận lợi đã khiến doanh nghiệp thực hiện giảm hàng tồn kho.
BMP đã chủ yếu tập trung đầu tư mở rộng, ngay từ đầu năm. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Nhà máy Nhựa Bình Minh Long An và nâng cao năng lực sản xuất với tổng vốn đầu tư 680 tỷ đồng, được doanh nghiệp triển khai thành công trong kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong năm doanh nghiệp không gia tăng đầu tư hàng tồn kho, do sự gia tăng của giá nguyên liệu đầu vào đặc biệt là hạt nhựa PVC. Ngược lại, hàng tồn kho của BMP giảm mạnh. Thời điểm cuối năm 2017, hàng tồn kho giảm 385 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cuối 2016 và giảm mạnh so với mức 502 tỷ đồng. Cuối quý 3 thì doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu tồn kho và giá thấp hơn để giảm chi phí giá vốn.
Biểu đồ: Tăng vốn đầu tư của BMP giai đoạn 2014-2017
Năm 2017, thông tin thoái vốn của SCIC là động lực tăng trưởng chủ yếu của cổ phiếu BMP. Tuy nhiên, những khó khăn của ngành tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của công ty, đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh trong năm. Kết quả, trong năm khi các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đều tăng trưởng mạnh, với xu hướng thuận lợi của thị trường chung thì cổ phiếu BMP bị bỏ lại phía sau. Vào 6 tháng cuối năm 2016, xét riêng quãng thời gian xuất hiện tin thoái vốn từ SCIC thì giá cổ phiếu BMP đã tăng trưởng tích cực trong ba tháng đầu năm. Sau đó, dấu hiệu tăng chững lại và cổ phiếu BMP bước vào xu hướng giảm sâu đến thời điểm tháng bảy, đỉnh điểm giá giảm đến gần 30%. Khi có thông tin thoái vốn chính thức bắt đầu được quan tâm trở lại thì giá cổ phiếu bật tăng trở lại khoảng 32% trong tháng mười một. Tuy nhiên, khi quyết định chính thức từ SCIC được đưa ra là việc thoái vốn sẽ chưa được quyết định trong năm, đã khiến giá cổ phiếu tiếp tục quay đầu giảm. So với đầu năm, cổ phiếu BMP mất giá gần 20% trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường đều tăng trưởng tốt.
Biểu đồ: Diễn biến giá cổ phiếu BMP và VN-Index