Cơ hội làm giàu càng khó khăn tại Châu Á
Trong bài viết tuần trước chúng ta đã cùng đi với nhau trong câu chuyện thực tại của thế hệ trẻ. Trong tuần này lại một câu chuyện tưởng chừng chỉ liên quan đến những con số kinh tế khô khan nhưng đằng sau đó lại là một vấn đề liên quan đến thế hệ và tập quán của vùng lãnh thổ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu chuyện này là để nắm được nhịp đập của xã hội và có thể vận hành theo nó mà không bị đào thải.
Tóm lược
- sự giàu có của các cá nhân tại các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường gắn liền với một nhóm gia đình giàu có
- Phần lớn các tỷ phú tại Châu Á thường liên quan nhiều đến hoạt động đầu tư bất động sản
- Để bạn có thể làm giàu tại Châu Á thì trước hết bạn phải có một lợi thế nhất định về sự hiểu biết của khu vực này so với những người khác đang cùng làm việc với bạn
Khác với các quốc gia phương Tây, sự giàu có của các cá nhân tại các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường gắn liền với một nhóm gia đình giàu có và đặc biệt liên quan đến các vấn đề về mối quan hệ gia đình. Mark Zuckerberg hoàn toàn có thể xây dựng một đế chế Facebook khổng lồ đồng thời xây dựng khối tài sản khổng lồ dựa trên tài năng của mình. Tuy nhiên những trường hợp như vậy thì lại thường rất ít khi xảy ra tại Châu Á.
Phần lớn các tỷ phú tại Châu Á thường liên quan nhiều đến hoạt động đầu tư bất động sản. Cũng sẽ có các doanh nghiệp thành công tại thị trường Việt Nam mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trên các mặt báo kinh tế. Tuy nhiên tôi tin bạn cũng cảm thấy là, những doanh nghiệp này phần lớn đều được xây dựng dựa trên các mối quan hệ, qua đó tạo ra những lợi thế cho họ trong quá trình kinh doanh. Không dễ dàng để một người bình thường vốn không hề có các mối quan hệ như chúng ta có thể xây dựng được những khối tài sản bằng những con đường như thế.
Để bạn có thể làm giàu tại Châu Á thì trước hết bạn phải có một lợi thế nhất định về sự hiểu biết của khu vực này so với những người khác đang cùng làm việc với bạn. Nền kinh tế của các quốc gia Châu Á vận hành hoàn toàn khác so với các nước phương Tây. Nền văn minh phương Tây đã được hình thành trong suốt hơn 400 năm qua, kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất trong khi đó nền kinh tế các quốc gia Châu Á phần lớn được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi các quốc gia này thoát khỏi ách thống trị của các cường quốc phương Tây. Chính sự khác biệt trong quá trình hình thành đó đã tạo ra những tính đặc thù trong cấu trúc nền kinh tế của các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam mà chúng ta sẽ bàn trong những chương sau.
Để có được những lợi thế đó thì bạn cần nắm bắt được những xu hướng lớn đang chuyển dịch của nền kinh tế bạn đang sinh sống, cụ thể ở đây là Việt Nam. Tôi tin rằng hằng ngày bạn đã được tiếp xúc với tin tức cùng đầy rẫy những tiêu đề về xu hướng sắp đến của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiều thông tin quá sẽ tạo ra sự lạm phát về thông tin, giống như sự mất giá của đồng tiền từ lạm phát, khi đó giá trị của mỗi thông tin sẽ giảm đi rất nhiều vì bạn không biết đâu thật sự là những thông tin có giá trị. Khi đấy bạn cần phải có một cách nhìn độc đáo của riêng bạn để có thể sàng lọc những thông tin gây nhiễu và tìm ra những cơ hội thật sự đang diễn ra bên ngoài xã hội, và quan trọng là những xu hướng đó sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống gia đình bạn, đến việc kinh doanh và đầu tư của bạn.
Tại sao bạn cần phải quan tâm đến những xu hướng thay đổi này? Tôi tin rằng đằng sau mỗi giai đoạn thay đổi lớn của xã hội thì thông thường sẽ là thời điểm mà tài sản của xã hội thường được phân chia lại. Tương ứng với những thay đổi sẽ có một số nhóm trong xã hội được hưởng lợi và phần còn lại có thể trở thành nạn nhân với những thiệt hại. Hãy nghĩ về nền công nghiệp hiện đại xuất hiện đã khiến hàng ngàn chủ doanh nghiệp nhanh chóng trở nên giàu có như thế nào và tương ứng với đó cũng là hàng ngàn làng nghề thủ công đã biến mất. Hãy nghĩ về cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong 20 năm qua đã thay đổi bộ mặt nền kinh tế như thế nào và bao nhiêu người lao động thiếu kỹ năng đã bị đẩy ra ngoài thế giới lao động này. Hay đơn giản hãy nghĩ về các bác xe ôm truyền thống đang bị thay thế dần bởi các apps ứng dụng xe ôm công nghệ như Grab và Goviet như thế nào.
Bạn cần phải biết tất cả những điều này để chuẩn bị không những cho bạn mà còn cho cả gia đình của bạn. Cuộc sống và kinh doanh là như thế. Nếu bạn không thể thay đổi cùng với nhịp đập của xã hội, tất nhiên bạn sẽ bị đào thải và tôi thực sự không muốn thấy điều đó xảy ra với các bạn. Hãy xem những xu hướng đó đang diễn ra như thế nào.