Chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ trong 10 năm tới (Phần cuối)

      Trong phần trước, chúng ta đã thảo luận về các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, sẽ đến từ hai yếu tố cơ bản là lao động và năng suất lao động. Qua đó, thấy được triển vọng kinh tế Mỹ trong tương lai. Bài viết tiếp theo bên dưới sẽ thảo luận về nhân tố quan trọng không những ảnh hưởng kinh tế Mỹ mà còn cả thế giới, bên cạnh đó là cách các doanh nghiệp Mỹ đã phản ứng qua các đợt biến động như thế nào.

Tóm lược:

  • Một trong những chính sách của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ nói chung và kinh tế toàn cầu nói riêng là tự do mậu dịch
  • Trong giai đoạn thương chiến Mỹ - Trung, các doanh nghiệp đang thể hiện hai mặt của sự lạc quan và thận trọng rất rõ qua từng giai đoạn.

Vấn đề thâm hụt thương mại

      Một trong những vấn đề chính sách của Mỹ sẽ rất có thể ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế Mỹ, thay vào đó là cả xu hướng tăng trưởng của toàn cầu trong dài hạn là vấn đề về tự do hóa mậu dịch. Mỹ thâm hụt thương mại lớn với một số quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó đặc biệt là vấn đề với Trung Quốc. Theo Tổng thống Donald Trump, trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc thì nước Mỹ đã bị trục lợi và điều đó chỉ làm lợi cho nền kinh tế Trung Quốc mà không phải cho người dân Mỹ. Theo ông việc thương mại tạo ra những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực, đó có thể là các ngành nghề hoặc các nhóm đối tượng công nhân của những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi hàng xuất khẩu. Chính quyền cần thực hiện những chính sách tốt hơn để giảm thiểu những bất bình đẳng đó.

      Trong khi đó, những nhà kinh tế cho rằng, việc mở cửa thương mại luôn tạo ra kết quả tốt hơn cho các nền kinh tế hơn là việc thực hiện chế độ bảo hộ thương mại. Đồng thời, việc thâm hụt ngân sách dai dẳng với những đối tác thương mại không hẳn là những dấu hiệu yếu kém của nền kinh tế. Những chính sách thương mại sẽ có thể ảnh hưởng đến cấu thành của hàng xuất khẩu và nhập khẩu của nước Mỹ. Quy mô thâm hụt được quyết định bởi sự tương tác qua lại của rất nhiều yếu tố trong tương quan tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ so với nhiều nước, những vấn đề liên quan đến quyết định tiết kiệm và đầu tư của người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp nước mỹ và thậm chí là ý chí của những nhà đầu tư quốc tế trong việc nắm giữ những tài sản tài chính của Mỹ. Thực tế, phần thâm hụt thương mại của Mỹ đã được bù đắp bởi những dòng vốn đầu tư quốc nội, thông qua việc những nhà đầu tư nắm giữ những chứng khoán vốn của Chính phủ và doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ. 

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết của Mỹ

      Xét từ góc độ vi mô của các doanh nghiệp Mỹ thì với bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những doanh nghiệp đang thể hiện hai mặt của sự lạc quan và thận trọng rất rõ qua từng giai đoạn. Dòng vốn đầu tư và huy động của các doanh nghiệp Mỹ đã tăng trưởng mạnh, khi bắt đầu cuộc thương chiến cho đến quý 1/2019, điều đó thể hiện những lạc quan về việc nước Mỹ sẽ có thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trước những sự phản ứng sau đó của Trung Quốc đã dần đẩy Mỹ vào một cuộc chiến trường kỳ và doanh nghiệp dần lâm vào tình thế khó khăn. Đồng thời hoạt động đầu tư bắt đầu sụt giảm niềm tin giữa các doanh nghiệp cũng sụt giảm. Những doanh nghiệp Mỹ bắt đầu “thấm đòn” khi những đơn hàng xuất khẩu công nghiệp bắt đầu sụt giảm trong quý 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) của Mỹ đã rơi từ mức 54 xuống chỉ còn hơn 50 hiện tại.

Biểu đồ: Vốn huy động và đầu tư mới của các doanh nghiệp ở Mỹ giai đoạn 2011-2018

      Những tuyên bố của chính quyền Mỹ về mức tăng trưởng trên 2,2%, trong giai đoạn tới sẽ có thể không tương thích với với các chính sách nội tại của Chính phủ đang thực hiện và cả những phản ứng của giới doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Quay trở lại câu chuyện Covid-19 thì chúng ta vẫn chưa thấy rõ nền kinh tế Mỹ sẽ được vực dậy sau dịch bệnh như thế nào, cũng như các chính sách sẽ được điều chỉnh cụ thể như thế nào, sau sự kiện trên và sẽ có thể ảnh hưởng đến những kỳ vọng tăng trưởng như thế nào.