Các quyết định tài chính của một doanh nghiệp sẽ có tác động như thế nào?
Trong quá trình hoạt động và phát triển, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với ba câu hỏi quan trọng trong việc tạo ra giá trị cho cổ đông của doanh nghiệp. Những câu hỏi đó là:
- Thứ nhất: Doanh nghiệp sẽ lựa chọn cơ hội đầu tư lĩnh vực nào có mức sinh lời hiệu quả nhất?
- Thứ hai: Doanh nghiệp nên dùng nguồn tài trợ nào cho kế hoạch đầu tư?
- Thứ ba: Doanh nghiệp nên phân bổ kết quả hoạt động như thế nào? Hay nói cách khác, doanh nghiệp nên thực hiện chính sách cổ tức như thế nào?
Đây là những quyết định tài chính rất quan trọng đối với một doanh nghiệp. Vậy những quyết định này sẽ có tác động như thế nào cho cả doanh nghiệp và các cổ đông?
Tóm lược:
- Quyết định phân bổ nguồn vốn là một trong những quyết định quan trọng nhất của giám đốc điều hành doanh nghiệp.
- Đối với những loại hình doanh nghiệp thông thường, khi doanh nghiệp tạo ra dòng tiền ròng họ sẽ quyết định tỷ lệ phân phối và tỷ lệ giữ lại để dùng cho các quyết định phân bổ.
- Đối với quyết định thâu tóm M&A thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn những doanh nghiệp mục tiêu để mua lại.
- Cách các doanh nghiệp thực hiện chính sách cổ tức của mình để mang lại giá trị cao nhất cho các cổ đông
Trước tiên, các quyết định tài chính quan trọng của doanh nghiệp này sẽ tác động đến các yếu tố trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp như hình bên dưới đây.
Hình: Cấu trúc bảng cân đối kế toán và quyết định tài chính
Giám đốc điều hành trong một doanh nghiệp có hai chức năng quản lý chính: Quản lý hoạt động và quản lý nguồn vốn. Tuy nhiên, chức năng quản lý hoạt động thường được đề cập hơn, vì nó liên quan đến việc giám đốc điều hành sẽ quản lý công việc hàng ngày của doanh nghiệp, duy trì hiệu suất của tài sản dài hạn và quản lý vốn lưu động để đảm bảo sử dụng tốt nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, chúng ta ít được đề cập đến một trong những quyết định quan trọng của giám đốc điều hành về các quyết định liên quan đến phân bổ nguồn vốn của doanh nghiệp.
Quyết định phân bổ nguồn vốn thực tế quan trọng hơn nhiều so với việc quản lý công việc hàng ngày của giám đốc điều hành. Quyết định phân bổ nguồn vốn sẽ quyết định phân bổ nguồn tiền nhàn rỗi doanh nghiệp đang tạo ra vào trong các hoạt động sử dụng vốn một cách có hiệu quả. Những định sử dụng vốn đó, có thể liên quan đến việc chúng ta sẽ đầu tư mở rộng, đầu tư vào sản phẩm mới, mua cổ phần ở những doanh nghiệp khác hoặc đầu tư vào chính cổ phiếu của doanh nghiệp thông qua việc mua cổ phiếu quỹ. Đó là những cách nguồn vốn doanh nghiệp được phân bổ và dựa trên từng thời điểm khác nhau, mà giám đốc điều hành sẽ có những quyết định đầu tư quan trọng để tối đa hóa giá trị cho cổ đông.
Thông thường, khi một doanh nghiệp hoạt động tạo mức sinh lời nhưng không có những mục đích sử dụng tiền sắp tới, thì về cơ bản họ sẽ phân phối hết dòng tiền tạo ra cho cổ đông. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp thủy điện, sau khi xây nhà máy thủy điện thì lúc dự án đi vào vận hành sẽ tạo ra dòng tiền ổn định dựa trên công suất đã được thiết kế của nhà máy. Khi đó, dòng tiền ròng tạo ra sẽ có hai mục tiêu sử dụng chính, đó là thực hiện trả nợ ngân hàng và phân phối cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Trong trường hợp này, thì giám đốc điều hành của doanh nghiệp thủy điện sẽ không cần phải đưa ra các quyết định phân bổ nguồn vốn. Về cơ bản, những quyết định phân phối này, đã mặc định theo như trong hợp đồng nợ là nghĩa vụ phải trả trong thời gian thỏa thuận ban đầu với ngân hàng về những hợp đồng liên quan đến chính sách cổ tức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong trường hợp này hoạt động với tính chất dự án, với tuổi thọ và mục tiêu xác định.
Tuy nhiên, đối với những loại hình doanh nghiệp thông thường, khi doanh nghiệp tạo ra dòng tiền ròng họ sẽ quyết định tỷ lệ phân phối và tỷ lệ giữ lại để dùng cho các quyết định phân bổ. Với một doanh nghiệp có tỷ lệ dòng tiền tự do được giữ lại đáng kể thì nếu dòng tiền này được tích lũy từ 3-5 năm có nghĩa rằng doanh nghiệp có một lượng tiền mặt rất lớn mà giám đốc điều hành của doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch phân phối hoặc sử dụng. Dưới góc độ nhà đầu tư, khi đầu tư vào các doanh nghiệp không trả cổ tức tỷ lệ cao thì chúng ta đang đặt cược vào triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, có thể là từ tăng trưởng doanh thu hoặc tăng trưởng EPS của doanh nghiệp. Như vậy, các quyết định liên quan đến phân bổ nguồn vốn sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng này. Khi đó, có hai quyết định quan trọng nhất mà các giám đốc điều hành có thể tạo ra giá trị gia tăng EPS trong trung hạn đó quyết định mua lại cổ phiếu quỹ và quyết định thâu tóm M&A.
Đối với quyết định thâu tóm M&A thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn những doanh nghiệp mục tiêu để mua lại. Những doanh nghiệp này có thể là những doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, có thể hoạt động giống như nhà cung cấp, hoặc có thể hoạt động giống như kênh phân phối. Việc tích hợp doanh nghiệp này vào bên trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp thâu tóm hiện tại sẽ góp phần tạo ra giá trị cộng hưởng, qua đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp thâu tóm.
Khi mua lại cổ phiếu quỹ tức là chúng ta đang đầu tư vào chính cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Với vai trò là những người đang điều hành và đưa ra những quyết định chiến lược của doanh nghiệp, ban quản lý hoàn toàn biết được giá trị thực của doanh nghiệp là bao nhiêu, một cách đáng tin cậy hơn những nhà đầu tư bên ngoài. Trong những giai đoạn, khi giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng ở mức chiết khấu lớn so với giá trị thực thì sẽ có doanh nghiệp có thể thực hiện mua vào cổ phiếu. Lý do giá cổ phiếu sụt giảm có thể đến từ việc thị trường chung sụt giảm, hoặc có thể đến từ doanh nghiệp không đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và EPS trong ngắn hạn khiến thị trường bán mạnh cổ phiếu. Ban giám đốc hoàn toàn có thể biết được rằng, cổ phiếu đang bị định giá thấp một cách tương đối như thế nào và họ có thể sử dụng lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp trên bảng cân đối kế toán để thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ. Thông qua việc mua lại cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp đã làm giảm bớt một lượng lớn cổ phần đang được mua với giá trị thấp, qua đó làm tăng giá trị cho những cổ đông còn lại.
Chúng ta thấy rằng, những quyết định phân bổ này có thể tạo ra giá trị cho doanh nghiệp trong dài hạn. Nhà đầu tư có thể xem lại lịch sử những lần ra quyết định của giám đốc điều hành để đánh giá khả năng tạo ra giá trị. Đối với những doanh nghiệp có lượng tiền nhàn rỗi lớn thì những dự án doanh nghiệp đã thực hiện, các hoạt động thâu tóm M&A doanh nghiệp đã thực hiện, những lần doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ và hiệu quả của các quyết định trên sẽ là cơ sở để đánh giá chức năng phân bổ nguồn vốn của giám đốc điều hành.
(Trích dẫn: Sách 20 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam)