Bài học đầu tư từ thị trường năm 2024

Năm 2024 đã khép lại với nhiều biến động, đặc biệt tác động mạnh đến giới đầu tư tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Bức tranh kinh tế - tài chính trong năm vừa qua cho thấy mức độ nhạy cảm của thị trường trước những chính sách vĩ mô và các sự kiện bất ngờ. Yếu tố toàn cầu cũng góp phần đáng kể vào cục diện này. Từ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất quỹ liên bang ở mức cao với mục tiêu kiềm chế lạm phát, khiến dòng vốn quốc tế chuyển hướng về Mỹ nhiều hơn.

Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, đứng trước áp lực rút vốn cũng như những biến động về tỷ giá. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, đây đồng thời là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Bối cảnh vĩ mô bất ổn khiến các năng lực cạnh cốt lõi là yếu tố tiên quyết quan trọng để phát triển. Không ít doanh nghiệp chú trọng đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển công nghệ và đẩy mạnh R&D để tìm kiếm những lợi thế bền vững. Toàn bộ bối cảnh trên đã mở ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, vượt qua những hoạt động đầu tư tài chính thông thường.

 Bài học 1: Sự biến động của các kênh đầu tư

Trong suốt năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam dù tăng điểm so với đầu năm nhưng liên tục có những đợt biến động giá lớn trong năm. Một điểm đáng lưu ý là dù giá trị giao dịch bình quân tính đến tháng 11/2024 tăng 25,6% so với giá trị giao dịch bình quân năm 2023 nhưng dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng trong năm thứ ba liên tiếp. Ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 11 đã lên đến 3,3 tỷ USD, được thay thế bởi lượng lớn margin bơm vào thị trường, từ đó trở thành một sức ép lớn khiến thị trường không thể bật cao được.

Ở lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô dự án, trì hoãn tiến độ hoặc tìm thêm những nguồn huy động vốn khác thay vì chỉ dựa vào ngân hàng hay trái phiếu. Siết chặt pháp lý về mở bán, chuyển nhượng dự án đã làm giảm đáng kể tính thanh khoản, kể cả ở những phân khúc từng rất sôi động. Không nằm ngoài xu thế, trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp thách thức lớn khi lãi suất leo thang và quy chế phát hành riêng lẻ ngày càng khắt khe. Nhà đầu tư cá nhân sợ rủi ro vỡ nợ nên đòi hỏi lãi suất cao hơn, trong khi các công ty phát hành phải đương đầu với chi phí vốn tăng mạnh. Hoạt động phát hành gần như chỉ còn khu vực các ngân hàng mới có thể phát hành quy mô lớn.

Tuy vậy, tình trạng bi quan ở thị trường truyền thống lại mở ra cơ hội cho vàng và tiền số. Vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một “nơi trú ẩn” quen thuộc khi sóng gió ập đến. Số liệu cho thấy giá vàng tăng khoảng 15% trong năm 2024, phản ánh nhu cầu nắm giữ tài sản có giá trị phòng thủ. Thị trường tiền số, đặc biệt là Bitcoin, bất ngờ bứt phá với mức tăng hơn 138,7% so với đầu năm.

Câu chuyện phân mảnh ở các lớp tài sản cho thấy không kênh đầu tư nào có thể đảm bảo mức sinh lời và thị trường luôn tạo ra những bất ngờ cho những người tham gia. Một chiến lược đầu tư năng động như những quỹ đầu tư lớn thực hiện trong hai năm nay trở thành yêu cầu bắt buộc, trong khi điều này trở nên quá khó khan với các nhà đầu tư cá nhân. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải đa dạng hóa danh mục và cần xác định rõ đâu là lợi thế cốt lõi trong năng lực bản thân.

Bài học 2: Thị trường tài chính và nền kinh tế thực

Thị trường tài chính không chỉ là sân chơi cho các giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu hay vàng, mà còn mang vai trò của một “gương soi” phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Việc vốn ngoại rút ròng liên tiếp nhiều năm liền không chỉ làm thị trường chứng khoán ảm đạm, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với khả năng tăng trưởng trung và dài hạn. Quan ngại đặt ra ở đây là liệu nền kinh tế có đủ hấp dẫn về mặt chính sách, minh bạch pháp lý cũng như tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng. Môi trường pháp lý, thủ tục hành chính, hay việc quản lý dòng vốn ngoại đều là những vấn đề cần nghiên cứu và cải thiện để lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong suốt năm 2024, chính sách tiền tệ của Mỹ đã giữ lãi suất ở mức cao với mục tiêu đối phó lạm phát. Đồng USD trở nên mạnh hơn, kích thích các nhà đầu tư rút tiền khỏi các thị trường mới nổi để quay về nơi có khả năng sinh lời cao, kèm theo mức độ an toàn lớn hơn. Hệ quả thấy rõ là chi phí vay vốn tại Việt Nam và các nước châu Á gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, khởi nghiệp và đầu tư công. Chỉ số MSCI Asia Pacific Index trong năm 2024 tăng khoảng 8,3%, thấp hơn nhiều so với mức 26,5% của S&P 500, cho thấy độ chênh lệch về tiềm lực, khả năng biến chuyển và quy mô của các công ty hàng đầu châu Á so với những tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ.

Biểu đồ mức sinh lời của thị trường Mỹ so với các nước

Picture3-67

Nguồn: Capital IQ

Bài học 3: Sự tăng trưởng của thị trường Mỹ và câu chuyện FPT ở Việt Nam

Tại thị trường Mỹ, các cổ phiếu công nghệ tiếp tục là “ngôi sao sáng” bất chấp bão tố. Trong năm 2024, Nvidia, Apple và Tesla liên tiếp xác lập những kỷ lục về giá trị vốn hóa, tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư toàn cầu. Cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 183% nhờ sức hút của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và GPU tối ưu cho học máy. Apple duy trì đà tăng ổn định vì sở hữu một hệ sinh thái sản phẩm vững chắc, kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi giá trị khép kín. Tesla thì tiến xa hơn trong việc mở rộng quy mô sản xuất xe điện và công nghệ năng lượng sạch, biến những ý tưởng xanh thành một mô hình kinh doanh dài hạn đáng kể.

Mức sinh lời của các ngành nghề tại Mỹ đến cuối tháng 11 năm 2024

Picture3-68

Nguồn: Capital IQ

Sự tỏa sáng của nhóm công nghệ này phần nào lý giải vì sao chỉ số S&P 500 vẫn có thể tăng 26,5% trong một năm đầy thử thách, đồng thời vượt xa nhiều thị trường khác. Chìa khóa nằm ở việc các doanh nghiệp Mỹ dám đầu tư khổng lồ vào R&D, tiên phong trong hàng loạt cải tiến về sản phẩm, quy trình, cũng như cách thức tiếp cận thị trường. Thành công của Nvidia hay Apple chính là ví dụ cụ thể cho việc không chỉ tập trung tìm lợi nhuận ngắn hạn, mà luôn hướng về những dự án mang tính đột phá.

Tương tự như câu chuyện ở Mỹ, tại Việt Nam, FPT nổi lên như một “điểm sáng” bất chấp VNIndex biến động tiêu cực. Cổ phiếu FPT tăng 30% trong năm 2023 và 25% năm 2024, trong khi VNIndex chỉ tăng 10% trong năm 2023 hay 12% trong năm 2024. Mấu chốt nằm ở việc FPT tập trung dồn nguồn lực cho chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao, phục vụ cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Với các giải pháp điện toán đám mây, Big Data, AI hay tự động hóa quy trình, FPT không chỉ tăng doanh thu và lợi nhuận mà còn xây dựng chỗ đứng vững chắc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao uy tín trong khu vực. Câu chuyện của FPT làm nổi bật vai trò quyết định của R&D, cho thấy khi một doanh nghiệp “đi trước đón đầu” trong các xu hướng công nghệ chủ đạo, họ hoàn toàn có thể vượt qua những chu kỳ suy giảm của thị trường chung.

Bài học 4: Ý nghĩa của R&D đối với hoạt động đầu tư của cá nhân

Nhiều người vẫn cho rằng hoạt động R&D chỉ dành cho các doanh nghiệp, song thực tế chứng minh rằng trong một thế giới số hóa, mỗi cá nhân – đặc biệt là nhà đầu tư – đều nên coi việc đầu tư vào R&D là một phần của chiến lược tài chính cá nhân. Mỗi khóa học về công nghệ, mỗi dự án phát triển phần mềm hay ý tưởng sản phẩm mới đều có thể chuyển hóa thành tài sản trí tuệ, củng cố sức mạnh tài chính dài hạn. Không chỉ góp phần gia tăng chất lượng sức lao động, các giải pháp mang tính đột phá hay tài sản sở hữu trí tuệ còn mở ra cơ hội tạo thêm nguồn thu nhập, chẳng hạn thông qua việc thương mại hóa, chuyển giao công nghệ hoặc cấp phép bản quyền.

Việc trang bị thêm năng lực công nghệ, hiểu biết về AI, dữ liệu lớn hay học máy không chỉ nâng cao hiệu suất công việc trước mắt, mà còn giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn trong bối cảnh đầy biến động. Khi môi trường công nghệ thay đổi, thị trường tài chính thường chứng kiến “sao đổi ngôi,” nơi những doanh nghiệp hoặc cá nhân nắm bắt xu hướng mới sẽ bứt phá, trong khi những ai chậm chân có nguy cơ bị đào thải. Đối với giá trị sức lao động, quy luật này cũng không ngoại lệ: người lao động chủ động thích nghi và liên tục nâng cấp kỹ năng sẽ nâng tầm vị thế, tránh để cảm xúc ngắn hạn chi phối, và sẵn sàng đón bắt những cơ hội tiềm năng trong tương lai.

Toàn bộ bức tranh năm 2024 cho thấy không có kênh đầu tư nào hoàn toàn “miễn nhiễm” với biến động và cũng chẳng có công thức nào vĩnh viễn đúng trong một thị trường liên tục đổi thay; từ chứng khoán đến bất động sản hay trái phiếu đều có lúc suy yếu, để rồi vàng và tiền số lại trỗi dậy, chứng tỏ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa. Sự rút lui của vốn ngoại và mức lãi suất cao tại Mỹ đặt ra câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn, buộc nền kinh tế Việt Nam cũng như châu Á phải nỗ lực tăng tốc trong nghiên cứu, đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh. Câu chuyện của Nvidia tại Mỹ hay FPT tại Việt Nam minh chứng cho tính đúng đắn của chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào R&D, khẳng định “người đi trước” trong xu thế công nghệ có lợi thế vượt trội, thậm chí ngay cả khi thị trường chung đang đối mặt khó khăn. Ở cấp độ cá nhân, việc đầu tư R&D cho bản thân và chú trọng đến việc phát triển kiến thức đa ngành và liên ngành là cách nhà đầu tư nâng cao khả năng thích ứng, tự tin khai thác cơ hội trong một môi trường vừa nhiều thách thức vừa dồi dào tiềm năng bứt phá.

Lê Hoài Ân, CFA

Share: