Ba đặc điểm cơ bản của thị trường tài chính Việt Nam
Thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và định hình nền kinh tế của quốc gia. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng khi kết nối giữa các chủ thể thừa vốn với những chủ thể thiếu vốn trong nền kinh tế. Tại mỗi giai đoạn và ở từng quốc gia khác nhau thì thị trường tài chính đều có các đặc điểm đặc thù.
Tóm lược:
- Ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng tuyệt đối đối với thị trường vốn tại Việt Nam
- Nguồn vốn ngân hàng trong xu hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn
- Xu hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Việt Nam là một nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển. Chính mức độ phát triển thấp và chưa hoàn chỉnh của nền kinh tế sẽ khiến cho thị trường tài chính ở Việt Nam lệch pha so với thị trường tài chính ở những quốc gia phát triển khi tập trung xoay quanh ngân hàng thay vì thị trường vốn bao gồm thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Trong đó, ngân hàng là nơi cung cấp nguồn vốn cả ngắn và trung hạn còn thị trường chứng khoán thì không nhiều doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cùng thảo luận về chủ đề này trong phần tiếp theo giúp có cái nhìn về thị trường tài chính trong nước.
Đặc điểm 1: Ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng tuyệt đối
Nguồn vốn ngân hàng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống thị trường vốn tại Việt Nam đối với việc cung ứng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Thị trường vốn được cấu thành bao gồm thị trường nợ vay dài hạn của ngân hàng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tại những thị trường phát triển như Mỹ, đây là một chiếc kiềng ba chân cung cấp nguồn vốn đa dạng cho các doanh nghiệp, với tỷ trọng nguồn vốn từ ngân hàng chỉ chiếm một phần nhỏ so với nguồn vốn các doanh nghiệp tự huy động. Tuy nhiên, tại Việt Nam có đến hơn 2/3 nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp đang được cung cấp bởi hệ thống ngân hàng. Như chúng ta cũng đã thấy, có một sự tương đồng trong tỷ lệ tài trợ từ hệ thống ngân hàng giữa những quốc gia Châu Á.
Đặc điểm 2: Ngành ngân hàng trong xu hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn trung – dài hạn
Việc ngân hàng thực hiện liên tục giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn liên quan đến các vấn đề về đảm bảo tính an toàn, cơ cấu lại hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng như nhằm đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng.
Biểu đồ: Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn giai đoạn 2014-2020
Đặc biệt, từ 2016 xảy ra hiện tượng giá đất tăng nhanh và sốt cục bộ, việc giảm tỷ lệ cho vay đối với ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ giảm nguy cơ dẫn đến hiện tượng bong bóng bất động sản. Mặt khác, hệ thống tài chính của Việt Nam đang có sự mất cân bằng do nguồn vốn phân bổ lệch quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung – dài hạn thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực huy động vốn hơn trên thị trường chứng khoán, qua đó, khắc phục được sự mất cân bằng trong hệ thống tài chính.
Đặc điểm 3: Xu hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Câu chuyện về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là xu hướng chính của các ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây sau giai đoạn tăng trưởng quá nóng trong quá khứ. Trong giai đoạn trước thì hệ thống ngân hàng phát triển rất nhanh về quy mô dư nợ. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, trước đó đã đầu tư tràn lan kém hiệu quả và nợ xấu chính là vấn đề đáng quan tâm của ngành ngân hàng.
Bảng: Số lượng ngân hàng qua từng năm
|
1997 |
2010 |
2015 |
2019 |
NHTM Nhà nước |
5 |
5 |
7 |
7 |
NHTM cổ phần |
51 |
37 |
28 |
31 |
NHTM liên doanh |
4 |
5 |
5 |
2 |
Chi nhánh NH nước ngoài |
24 |
50 |
50 |
48 |
NHTM nước ngoài |
0 |
5 |
5 |
9 |
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Không ít các ngân hàng sau đó đã gặp khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Khi đó, yêu cầu đặt ra là hệ thống ngân hàng cần phải thực hiện tái cơ cấu, nhằm khắc phục những yếu kém nội của ngành Ngân hàng, lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của toàn hệ thống. Qúa trình tái cơ cấu đã khiến cho số lương ngân hàng giảm dần trong những năm gần đây, thông qua việc xử lý các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Các cuộc khủng hoảng tài chính thường liên quan đến 4 lý do chính kéo theo khủng hoảng ngành ngân hàng sau: Thứ nhất là thiếu vốn tự có, thứ hai là khó khăn về thanh khoản, thứ ba là chất lượng tài sản kém, thứ tư là yếu kém về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. Trong đó, vấn đề chất lượng tài sản kém và việc thiếu vốn tự có là hai vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, cũng như quá trình phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Từ giai đoạn năm 2007 đến nay, hệ thống ngân hàng luôn nỗ lực giải quyết nợ xấu, đây là một vấn đề lớn đã giải quyết trong suốt chiều dài phát triển, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu chiếm khá cao trong lĩnh vực bất động sản.
Vốn tự có tối thiểu của nhiều ngân hàng ở Việt Nam đã đạt tỷ lệ đảm bảo (Capital Adequacy Ratio - CAR) trên 8%, tỷ lệ này cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng và nhóm ngân hàng trên bình diện chung. Đặc biệt hơn, nếu như hạch toán đúng dự phòng cho các khoản nợ xấu, cũng như nếu tuân theo chuẩn quốc tế Basel 2(*) thì hệ số an toàn vốn CAR sẽ còn giảm rất nhiều. Việc hạn chế trong hoạt động huy động vốn cổ phần đã khiến cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, thậm chí cả các ngân hàng lớn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng, khi hoạt động huy động vốn cổ phần bị hạn chế.
Như vậy, thị trường tài chính Việt Nam có cấu trúc đặc thù của một thị trường vốn thiên về nợ vay, mà chủ yếu là thông qua ngồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Điều này làm nên sự khác biệt so với các thị trường đã phát triển như Mỹ khi nguồn vốn huy động từ ngân hàng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, cấu trúc trên cũng đã dẫn được cơ cấu và thay đổi nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính đa dạng hơn, tránh tập trung vào kênh huy động duy nhất từ tín dụng ngân hàng cũng như đáp ứng được xu thế phát triển chung của thị trường tài chính thế giới.
_________
(*) Basel 2: Hiệp ước Basel phiên bản thứ hai, bao gồm các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát hoạt động các ngân hàng thương mại.